Men theo con đường đất nhỏ hẹp, băng qua cánh đồng muối trắng, chúng tôi mới đến được khu nuôi cá mú của ông Phú. Ông Phú kể, từ nuôi xen canh, nuôi lồng ghép các đối tượng thủy sản nước lợ như tôm kẹt, tôm sú, cá chim vây vàng, cá đối mục…, ông chuyển sang nuôi chuyên canh cá mú 2 giai đoạn. “Đầu năm 2016, khi phong trào nuôi cá mú trong ao phát triển mạnh ở một số đầm nuôi tại tỉnh Khánh Hòa, tôi đã đến tham quan và tìm hiểu quy trình nuôi, cũng như các loại thức ăn, cách chăm sóc và mạnh dạn đặt mua con giống về thả nuôi”, ông Phú nói.
Thời gian đầu, do ông thiếu kinh nghiệm trong khâu chọn giống, khẩu phần ăn nên cá chậm lớn, tỷ lệ sống của cá không cao, chỉ đạt khoảng 30%. Ông Phú đã dành thời gian nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, dinh dưỡng và phát triển của cá mú qua sách báo, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyên đề về nuôi cá mú trong ao đất do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Nhờ đó, ông dần nắm được quy trình và kỹ thuật nuôi.
Sau 2 năm thử nghiệm, ông nhận thấy cá mú đen và cá mú lai phù hợp với các ao đầm nước lợ. Cá ít bị bệnh, thời gian sinh trưởng tương đối phù hợp với môi trường ao đất. Mặt khác, kỹ thuật nuôi cũng không phức tạp, chăm sóc dễ dàng và sản phẩm dễ tiêu thụ. Thấy việc nuôi cá mú đem lại hiệu quả kinh tế, ông Phú tiếp tục đầu tư vốn, thuê thêm ao, nâng tổng diện tích nuôi lên 3ha. Ông Phú chia thành 10 ao nuôi và nhiều đợt nuôi, trong đó, 5 ao chuyên nuôi cá mú, 5 ao còn lại nuôi lồng ghép cá mú cùng tôm sú, cá chim vây vàng, cá đối nục.
Ông Trần Quang Phú (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền) thu hoạch cá mú.
Ông Phú chia sẻ kinh nghiệm: con giống sau khi mua về được thả nuôi trong ao có diện tích nhỏ để dễ quản lý, chăm sóc. Để cá có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt, trước khi thả, ao nuôi phải cải tạo, đắp bờ, sên vét bùn đáy, bón vôi, phơi đáy rồi mới lấy nước vào ao. Con giống chọn mua ở những cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường. Mật độ nuôi thương phẩm tối đa 1 con/m2. Sau 10 tháng, cá có trọng lượng khoảng 1-1,2kg/con. Hệ số chuyển đổi khoảng 6:1 (6kg cá tạp thu được 1kg cá thương phẩm). Với cách làm này, mỗi năm ông Phú thu hoạch khoảng 2,5 tấn cá thương phẩm trên 3 ao.
Thức ăn của cá mú là cá tươi như cá nục, cá bạc má. Trong 1-2 tháng đầu, cá tươi mua về được xay nhỏ phù hợp với kích thước miệng cá. Sau 2 tháng, cá đạt trọng lượng từ 150-200g/con. Lúc này phân cỡ thả nuôi ra các ao lớn. Thức ăn cho cá nuôi trong các ao lớn là cá tạp tươi cắt khúc cho ăn theo tỷ lệ khoảng 3% trọng lượng cá, như vậy mỗi tấn cá thu hoạch sẽ sử dụng 30kg thức ăn. Định kỳ 15 ngày bổ sung các loại khoáng, Vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Ông cũng dùng ống nhựa có đường kính 20cm làm giá thể cho cá trú ẩn. “Cá mú ít xảy ra dịch bệnh. Các bệnh cá thường mắc là bệnh đường ruột và bệnh do ký sinh trùng làm lở loét. Tuy nhiên nếu thường xuyên kiểm tra và phòng bệnh kịp thời thì không có vấn đề gì lo ngại. Mặt khác, ưu điểm của cá mú so với các đối tượng thủy sản khác là nếu xảy ra dịch bệnh cũng sẽ không thiệt hại hoàn toàn. Ví dụ, thả 10 ngàn con, bị thiệt hại đến 80% sản lượng thì số còn lại nuôi vẫn có thể thu hồi được vốn đầu tư”, ông Phú cho biết thêm.
Cá mú là thực phẩm có dinh dưỡng cao, thịt thơm, dai, ngon nên được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn. Do đó, người nuôi không phải lo về đầu ra. “Mỗi năm, tôi thả 10-15 ngàn con giống, tỷ lệ sống sót trung bình là 50%, với giá bán trung bình 200 ngàn đồng/kg, tôi thu về được 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận 500 triệu đồng/năm”, ông Phú thông tin.
Ông Võ Xuân Hậu, Trạm Khuyến nông Long Điền cho biết, phong trào nuôi cá mú theo mô hình như ông Phú tại địa phương chưa nhiều. Ngoài mô hình nuôi cá mú bằng thức ăn công nghiệp do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai còn có 3 hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Thơi gian tới, địa phương sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật, triển khai chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để bà con tiếp cận, áp dụng nhân rộng nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích.