Đến hẹn lại lên, mỗi khi con nước tràn bờ, những cánh đồng lăn tăn ánh nước cũng là thời điểm nghề đặt trúm lươn vào “vụ” chính. Năm nay, lượng mưa khá nhiều khiến cho mực nước trên các cánh đồng đến giữa con trăng tháng 10 âm lịch vẫn còn sâu hút. Nghề đặt trúm lươn cũng vì thế mà duy trì kéo dài thời gian hoạt động. Khi ánh tà dương bắt đầu khuất dần theo mấy bụi tre phía chân trời, những người làm nghề đặt trúm lươn cũng tất bật chuẩn bị trúm để “hành nghề”.
Ống trúm làm bằng thân cây tre hoặc ống nhựa dài khoảng 1m, một đầu làm miệng trúm, đầu kia được bịt kín. Miệng ống có một cái hom được làm từ những nan tre mỏng kết hình nón lá hướng vào lòng trúm, được cố định với thân trúm bằng một xiên tre hay thanh sắt, đầu kia có khoan lỗ nhỏ để lấy không khí cho lươn “thở” khi đã vào bên trong trúm. Sau khi đặt mồi bằng giun đất băm nhỏ trong hom, hoặc nhái, cá nướng thì người ta mang ống trúm ra bờ ruộng, bờ sông, kênh mương, ao hồ… để đặt. Kỹ thuật đặt trúm cũng đơn giản, thân trúm để theo một góc nghiêng, miệng trúm cố định dưới đáy bùn, còn đầu có phần lỗ thở cho lươn thì để nổi khỏi mặt nước. Lươn đi ăn ban đêm, nghe mùi tanh của mồi dẫn dụ, chúng mon men ăn rồi chui tọt vào phía trong hom trúm.
Anh Trần Hoài Anh (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân), người có thâm niên làm nghề đặt trúm cho biết, muốn bắt được nhiều lươn bằng trúm thì phải tìm hiểu trước khu vực thả trúm. Những nơi lươn hay làm “mà” (hang trú ngụ) là lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước, gốc tre, bụi cây mấp mé ao hồ, sông suối. Đặt trúm những khu vực này dễ bắt được lươn lớn, có con gần nửa ký.
Theo anh Hoài Anh, nghề đặt trúm lươn thích nhất là lúc đi dỡ trúm. Sau khi đổ nước ra khỏi ống, thấy hơi nặng tay hơn lúc bình thường, xốc nhẹ, nghe tiếng “ọc ạch” bên trong trúm là có lươn. Ống trúm có lươn thì để riêng, sau khi dỡ trúm mang về nhà thì tháo hom đổ lươn ra chậu. Nhiều người đặt trúm lươn cũng cẩn thận kiểm tra tất cả các ống sau khi dỡ mang về. Có ống khi xốc không nghe ọc ạch nhưng vẫn có lươn, vì có những con lươn to mà lòng ống lại hẹp. Cũng có khi, đổ trúm ra không phải lươn mà là… rắn. Rắn mò vào trúm tấn công và ăn lươn mắc trong đó. Lươn là món khoái khẩu và không phải là đối thủ của các loại rắn.
“Khi trước, mỗi người có 40 - 50 ống trúm lươn bằng tre, đi đặt bằng xuồng, một ngày kiếm 5 - 10kg rất dễ dàng. Còn bây giờ, mỗi người sắm 20 - 30 ống nhựa, chở xe đạp, xe máy cồng kềnh nhưng cũng chỉ kiếm được 3 - 4kg (tương đương với 450.000 đồng). Lươn càng ngày càng ít, nên có lẽ trong một ngày không xa, sẽ mai một nghề đặt trúm lươn”, anh Hoài Anh tâm sự.
Dân theo nghề đặt trúm lươn có câu “Cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”, do đó, người đặt trúm lươn rất chú ý đến mồi, mồi ngon, hấp dẫn mới dụ được lươn chui vào “cửa tử”. Mỗi đầu ống trúm lươn có một miệng hom đan bằng tre, hom là cái bẫy dụ những con lươn háu ăn. Trước đây, miệt vườn còn nhiều cá tôm, lươn, rắn, ếch… nghề trúm lươn rất thịnh hành, giúp nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo. Trúm lươn đặt quanh năm, thuận lợi nhất là mùa mưa. Nhưng muốn bắt được nhiều, người trong nghề phải biết đặt lúc nào, đặt ở đâu. Thông thường ban ngày lươn trú dưới bùn, đêm ngoi lên kiếm ăn.
Loại mồi ưa thích của chúng là cá, ốc bằm nhuyễn, hoặc ếch nhái nướng thơm, nhưng Anh Nguyễn Văn Tân (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân), người gắn bó với nghề trúm lươn trên 10 năm, cho biết: “Nghề này tuy vất vả, phải lội mương, lội bùn, dầm mưa dãi nắng nhưng lại là một nghề hấp dẫn, dễ kiếm tiền. Người có kinh nghiệm, chịu khó mỗi ngày có thể thu nhập 300.000 - 400.00 đồng. Lươn bắt được khỏi phải mang ra chợ, chỉ cần một cú điện thoại là có người đến tận chỗ thu mua”.
Theo anh Tân, bí quyết của nghề đặt trúm lươn là mồi và hom. Mồi không thơm ngon lươn không chạy, hom không thông lươn không vào. Khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch là thời điểm lươn chạy nhiều nhất. Mùa nắng hạn, lươn rút xuống ao hồ, sông rạch, hoặc những nơi có sình lầy, nhiều cỏ rác. Người trong nghề phải biết đường đi chỗ ẩn của lươn mới có thể săn bắt được nhiều. Ở những nơi ruộng sâu, nhiều cỏ, đường nước thông thương, lươn ẩn trú nhiều dễ đánh bắt. Một người có khoảng 40 ống trúm lươn, mỗi đêm có thể kiềm từ 2 - 4kg lươn, tùy thời tiết.
Đặt trúm bắt được nhiều lươn, có thêm thu nhập gia đình lúc nông nhàn, dành dụm chi tiêu vào thời điểm năm hết tết đến “gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Nhưng đặt trúm lươn còn cái thú khác, đó là thưởng thức thành quả do mình bắt được. Lươn bắt về được các mẹ, các chị chế biến những món ăn dân dã mà bổ dưỡng, như cháo lươn, um lá nhàu lươn, lươn xào cà-ri…; món lươn xào sả ớt, lươn nướng mọi nguyên con không tẩm ướp gia vị dùng để “đưa cay” với rượu gạo là món “mồi bén” của cánh đàn ông, thanh niên nơi miền quê thôn dã lẫn thành thị.