Loài tép cảnh mini với đầy đủ màu sắc sặc sỡ
Tép cảnh hay tôm cảnh Crayfish. Chúng là một loài giáp xác được con người khai thác với mục đích nuôi kiểng trong bể.
Loài tôm này thường có nhiều kích thước cơ thể khác nhau, nhưng được nuôi ưa chuộng nhất ở Việt Nam sẽ có kích thước nhỏ khoảng từ 1cm đến 2cm. Tuy nhiên có một số dòng sau khi trưởng thành sẽ có chiều dài lên đến tận 30cm.
Hầu hết các dòng của loài tôm cảnh đều có 8 chân, 2 càng và 2 râu. Thức ăn chính của chúng ngoài tự nhiên là xác cá, các động vật phù du, cây thủy sinh.
Điểm đặc biệt nhất của loài tôm này là chúng có đủ các màu sắc như vàng, xanh, đỏ, tím, trắng,...vô cùng đa dạng và sặc sỡ. Tùy vào sở thích, cách thiết kế và bố trí bể mà người nuôi chọn lựa màu sắc tôm cảnh phù hợp. Nhưng nếu có thể hãy kết hợp đa dạng các màu sắc của loài tôm cảnh này vào trong bể, bạn sẽ có một bể thủy sinh thú vị độc đáo của riêng mình.
Ngày nay, loài tép cảnh này rất dễ dàng được tìm thấy trên thị trường cá cảnh Việt Nam. Bởi vì chúng không đòi hỏi quá cao về điều kiện sống, nhiệt độ phù hợp nuôi chúng ở mức 20 – 30 độ C và độ pH từ 6.5 – 8.2 .
Các yếu tố quan trọng giúp tôm kiểng phát triển thuận lợi
Việc đầu tiên để bạn hoàn thành một bể thủy sinh trước khi thả tôm vào đó chính là môi trường nước nuôi.
Loài tép cảnh là loài sống ở nước ngọt nên khá dễ nuôi, bạn có thể dàng sử dụng các nguồn nước như nước ao hồ, sông suối hoặc nước máy. Nhưng bạn nên chú ý xử lý nước trước khi cho vào bể bởi vì cần loại bỏ các chất cặn bẩn, đặc biệt cần loại bỏ Clo nếu bạn sử dụng nguồn nước máy.
Cứ mỗi một đến hai tuần, bạn cần nên thay nước cho bể nuôi tôm. Mỗi lần thay khoảng từ 20 -30% lượng nước đang có trong hồ để đảm bảo duy trì được chất lượng môi trường nước.
Khi nuôi cần phân bổ lượng tôm cho vào bể một cách hợp lí nhất, trung bình mỗi con tôm kiểng sẽ cần từ khoảng 5 đến 10 lít nước.
Ở tép cảnh, chúng có tính hơi nhút nhát, thích ẩn nấp nghỉ ngơi. Chỉ hoạt động mạnh khi đi kiếm mồi, phù hợp nuôi trong các bể thủy sinh nhiều cây cối. Nếu bạn muốn nuôi chúng trong các bể thông thường, hãy bổ sung cho chúng ít sạn suối, đá thủy sinh để tạo một môi trường sống thân thiện hơn cho tôm kiểng.
Điều cần thiết cho một bể nuôi tại nhà đó chính là trang bị một bộ lọc cho bể, cùng với đó là một máy oxy, một đèn chiếu sáng. Điều này giúp cải thiện môi trường nước bể tôm và cung cấp đủ dưỡng khí để tôm phát triển tốt nhất có thể.
Tôm kiểng là một loài ăn tạp, cho nên chúng có thể ăn rất nhiều loại thức ăn khác nhau. Ngoài các loại thức ăn có ngoài tự nhiên, người nuôi có thể cho tôm ăn các loại thức ăn công nghiệp dành riêng cho tôm kiểng, giúp chúng được bổ sung các vitamin cần thiết, lên màu đẹp và khỏe mạnh hơn.
Trùng chỉ hay các loại thức ăn từ thực vật như là rong rêu, bắp cải luộc, dưa leo, cà rốt, lá dâu, lá bàng,... cũng được khuyến khích cho tôm kiểng ăn vì sự tiện lợi và dễ tìm khi nuôi tại nhà.
Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn cho tôm kiểng, duy trì một khung giờ ăn cố định để tôm có thể ổn định thói quen khi ăn. Và hãy vệ sinh thức ăn thừa thường xuyên để tránh ô nhiễm nguồn nước trong bể.
Qua bài viết trên, có lẽ bạn đã có thêm một lựa chọn mới cho bể nuôi tại nhà. Loài tép cảnh này khá nhỏ bé nên hãy cân nhắc nếu bạn muốn kết hợp nuôi chúng với các loài cá cảnh khác.
Hãy lựa chọn một số loài cá phù hợp như cá chuột otto, cá trâm, cá bống vàng, cá tỳ bà bướm,...để chúng có thể sống hòa hợp với nhau nhé!