Người nuôi… khốn đốn
Tại Bến Tre, những ngày này rất nhiều hộ nuôi tôm đứng ngồi không yên vì tôm chết có chiều hướng lan rộng. Ông Lê Minh Hùng, hộ nuôi tôm lâu năm ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại, rầu lo: “Mới đầu năm 2016, nhưng nghề nuôi tôm đã bộc lộ nhiều rủi ro. Tôi vừa thả nuôi 2 ao tôm thẻ chưa được 1 tháng tuổi thì bị dịch bệnh làm chết hết, mất trắng hơn 70 triệu đồng”. Không chỉ ở Bến Tre, mà nông dân các tỉnh khác cũng kêu than tôm chết.
Ông Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, thông tin: Từ đầu năm tới nay, người dân chỉ mới thả nuôi hơn 300ha tôm, nhưng đã có 25% diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh. Hiện bà con vô cùng lo lắng do hạn, mặn quá gay gắt. Theo ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, do độ mặn hiện quá cao nên những hộ thả nuôi tôm đầu vụ bị chết la liệt. Vì thế mấy ngày nay bà con không dám nuôi nữa, bởi sợ thất bại.
Trong khi đó, một số diện tích nuôi nghêu ở ĐBSCL cũng xuất hiện chết do nắng nóng, độ mặn cao, môi trường ô nhiễm. Lãnh đạo HTX nghêu Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nhìn nhận, hiện nay nghêu cũng chết rải rác. Ở xã Bảo Thuận, người dân phát hiện nghêu chết do thời tiết bất lợi nên vội vã thu hoạch nhằm giảm thiệt hại. Tại Tiền Giang, Bến Tre… giá nghêu loại 60-80 con/kg dao động khoảng 13.000-14.000 đồng/kg, thấp hơn mọi năm 3.000-4.000 đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn tranh thủ bán sớm vì lo lắng nạn nghêu chết có thể bùng phát trong thời gian tới.
Nỗi lo thiếu nguyên liệu
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận: “Trước diễn biến bất lợi của thời tiết nên sở đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi sát độ mặn. Qua đo độ mặn ở nhiều nơi đều quá cao, có nơi tới 30%o, vượt ngưỡng cho phép nuôi tôm. Do đó, sở tuyên truyền cho người dân thận trọng, không vội nuôi tôm lúc này sẽ dễ thiệt hại. Về cơ bản phải chờ mưa xuống để độ mặn giảm lại mới nuôi được”.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình nuôi khó khăn khiến nông dân bất an. Thế là nhiều hộ giảm diện tích nuôi hoặc chưa dám nuôi nên sản lượng tôm thiếu hụt. Hiện tôm thẻ loại 100 con/kg giá tăng đến 100.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 120.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg giá vượt ngưỡng 300.000 đồng/kg… Dù giá tôm rất cao, nhưng các nhà máy chế biến khó mua, bởi sản lượng tôm không nhiều. Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Điều kiện nuôi tôm năm nay khó khăn nên sản lượng sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu. Dự báo các nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau chỉ có thể hoạt động khoảng 50-60% công suất. Vì vậy, chỉ tiêu xuất khẩu tôm năm 2016 mà tỉnh Cà Mau đưa ra hơn 1,2 tỉ USD, nhưng dự kiến chỉ đạt khoảng 1 tỉ USD”.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 1,1 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Dù tăng, nhưng để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 7,12 tỉ USD trong năm 2016, ngành thủy sản phải vượt qua nhiều khó khăn phía trước. Hiện tại, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL làm ảnh hưởng đến việc nuôi thủy sản. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy sản, các tỉnh, thành ĐBSCL… tăng cường phòng, chống dịch bệnh thủy sản; khử trùng ao nuôi, theo dõi sát độ mặn và điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý. Các vùng nuôi thủy sản ven biển phải nạo vét thủy lợi, cố gắng chủ động nguồn nước; khuyến cáo người dân không nuôi cá nơi không đảm bảo nguồn nước nhằm tránh thiệt hại do hạn gây ra…