Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng diện tích nuôi thủy sản tỉnh Trà Vinh đạt 36.996ha (đạt 71,2% kế hoạch năm), cao hơn cùng kỳ 5% (tương đương 1.775ha). Tại vụ nuôi năm nay, các con nuôi có thế mạnh của tỉnh đem lại giá trị kinh tế cao như: tôm sú; tôm thẻ; cua biển… với 6,43 tỷ con giống các loại.
Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 đạt 148.292 tấn, đạt 73,6% kế hoạch, tăng 5,7% so với cùng kỳ (trên 8.000 tấn). Trong đó, nuôi trồng 83.075 tấn (tôm sú 9.139 tấn, cao hơn cùng kỳ 63 tấn); tôm thẻ 29.961 tấn (cao hơn cùng kỳ 7.665 tấn); cua biển 5.193 tấn (cao hơn cùng kỳ 180 tấn)…
Sản lượng các loại con nuôi nước ngọt giảm: cá tra 6.660 tấn (thấp hơn cùng kỳ 7.502 tấn); cá lóc 18.515 tấn (thấp hơn cùng kỳ 551 tấn). Trong khi đó sản lượng nuôi vùng mặn, lợ tăng do vụ tôm năm nay nông dân mạnh dạn đầu tư thay đổi hình thức sản xuất theo hướng siêu thâm canh (tăng 5,1 lần so với năm 2017).
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sản lượng nuôi nước ngọt giảm mạnh do thời thời điểm đầu vụ giá cá tra, cá lóc thương phẩm ở mức thấp, nên nông dân ngại đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại giá cá lóc tăng khá cao, bình quân khoảng 45.000 đồng/kg. Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất, sản lượng cao nhưng tình hình tiêu thụ gặp khó khăn, giá chưa ổn định và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ một số nước, chủ yếu do cung vượt cầu; hiện nay giá tôm chân trắng đã phục hồi nhưng còn thấp.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; tái cơ cấu nông nghiệp cần thực chất, rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư hướng dẫn, hỗ trợ nông dân quản lý, chăm sóc tốt diện tích sản xuất; quản lý chặt chẽ các khu nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch.