Bối cảnh
Thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam, ngành công nghiệp thuỷ sản Canada đóng góp lớn vào nền kinh tế Canada. Năm 2020, ngành đánh cá của Canada đã xuất khẩu 6,4 tỷ CAD các sản phẩm cá và hải sản và sử dụng khoảng 68.000 lao động trong ngành (44.000 trong đánh bắt cá, 4.000 trong nuôi trồng và gần 20.000 trong chế biến thuỷ hải sản). Doanh số đánh bắt cá nước ngọt và xa bờ đạt trung bình 2.5 tỷ CAD/năm và nuôi trồng thuỷ sản đạt 1 tỷ CAD/năm; trong khi đó chế biến đóng gói thuỷ sản đạt gần 6 tỷ CAD/năm.
Về thương mại, ngành cá và thuỷ sản của Canada đóng vai trò quan trọng cả trong xuất và nhập khẩu. Năm 2021, Canada xuất khẩu 619.381 tấn sản phẩm các loại, thu về khoảng 8.8 tỷ CAD và nhập khẩu 572.764 tấn sản phẩm, tương đương 4.6 tỷ CAD, thặng dư thương mại ngành thuỷ hải sản của Canada đạt trên 4 tỷ CAD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Canada là tôm hùm, cua tuyết, cá hồi đại dương trong khi Canada nhập khẩu nhiều loại thuỷ sản khác từ thế giới, trong đó có cá ngừ và tôm. Có thể thấy hơn 75% sản lượng đánh bắt và nuôi trồng nội địa của Canada là để xuất khẩu. Hiện, quốc gia này là nhà xuất khẩu thủy hải sản lớn thứ 8 trên thế giới.
Thị trường tiềm năng
Giai đoạn 2012-2021, Canada nhập khẩu trung bình khoảng trên 2 tỷ USD/năm, trong đó phi lê cá đông lạnh và tôm đông lạnh là hai sản phẩm chủ yếu. Năm 2021, Canada nhập khẩu tăng đột biến, lên đến gần 2.7 tỷ USD do gián đoạn sản xuất trong nước vì các quy định giãn cách và do giá thuỷ sản xuất khẩu của Canada tăng cao trên thị trường thế giới.
Tôm đông lạnh là sản phẩm nhập khẩu chủ yếu của Canada. Ảnh: Goce.vn
Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trong top 10 nước xuất khẩu thực phẩm/thuỷ sản chế biến lớn nhất vào Canada (sau Hoa Kỳ và Thái Lan). Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường đã tăng mạnh (56.5%) so với cùng kỳ năm 2021, đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 3 tại Canada. Hiện trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 160 triệu USD các mặt hàng thuỷ sản sang nước này.
Về thủy sản chế biến Việt Nam, đã ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 là 43.6%, cao hơn nhiều mức tăng trung bình của thị trường Canada (13%). Dự kiến đến hết năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu được trên 110 triệu USD giá trị thủy sản chế biến vào thị trường, giá trị này có thể còn lớn hơn giá trị xuất khẩu cá phi lê đông lạnh của Việt Nam vào Canada.
Với mặt hàng tôm chế biến, Việt Nam là nước có thế mạnh nhất về các sản phẩm tôm tẩm bột, tôm viên, chả giò hải sản, tôm hấp đông lạnh. Tại thị trường Canada, Việt Nam chiếm 25% thị phần đối với nhóm mặt hàng này, vượt xa các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu thêm vào thị trường này trong bối cảnh Canada giảm nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 105 triệu USD năm 2022.
Về các sản phẩm cá đóng hộp, so với trước 2018 (từ 2.6 triệu đã tăng lên 14.4 triệu vào năm 2021) đã tăng 445%, tuy nhiên mức tăng này không đáng kể so với như cầu của thị trường. Hiện, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 5 nhóm mặt hàng cá đóng hộp vào Canada nhưng chỉ chiếm được khoảng 3,5% thị phần trong khi hàng năm, nhu cầu nhập khẩu của Canada lên khoảng 350 – 400 triệu USD. Dự kiến hết năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam được khoảng trên 10 triệu USD.