Những chiếc thuyền thúng rải rác khắp các bờ biển từ phía Nam đến tận Đà Nẵng đã trở thành biểu tượng rất riêng của nghề biển Việt Nam. Tuy nguồn gốc vẫn chưa được biết đến rõ ràng, nhưng nhiều người tin rằng thuyền thúng là sản phẩm sáng tạo của những ngư dân trong thời kỳ Pháp thuộc. Vào thời điểm đó, người Pháp đánh thuế rất cao đối với tàu thuyền của Việt Nam, ngư dân vốn đã khó, nay lại phải gánh thêm khoảng thuế này, không lẽ phải bỏ nghề đi biển? Họ bỏ nghề biển rồi thì lấy gì mà lo cho mấy miệng ăn, thời thế đã khó mà có cái nghề lại càng khó hơn? Thế là chiếc thuyền thúng ra đời để giải quyết những cái khó của ngư dân trong thời kỳ này, nó không phải là “thuyền” theo định nghĩa của người Pháp, mà chỉ là “một chiếc thúng” lớn, đủ lớn để chở vài người và các sản vật đánh bắt, thế là người ta né được thuế thuyền mà vẫn được đi biển.
Làm thuyền thúng là một quá trình tỉ mỉ đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt
Cần phải có nhiều nghệ nhân chuyên làm thuyền thúng cùng phối hợp để cho ra đời một chiếc thuyền đạt yêu cầu. Để bắt đầu quá trình “chế tác” này, người nghệ nhân sẽ chọn những cây tre đạt yêu cầu theo kinh nghiệm (cây tre phải dễ nổi, linh hoạt trong quá trình đan và uốn nắn tạo khuôn). Sau đó, chúng được chẻ thành các mảnh, phơi khô và cắt theo kích thước mong muốn một cách chính xác trước khi đan. Hiện nay vẫn chưa có máy móc hỗ trợ nhiều cho việc sản xuất thuyền thúng, nên chủ yếu được đan bằng tay, quá trình này đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng định lượng của người nghệ nhân lành nghề. Sau khi khung giỏ được hoàn thành, nghệ nhân sẽ phủ lên 2 mặt của nó bằng nhựa hoặc nhựa đường. Trong một số trường hợp, người nghệ nhân có thể sử dụng một hỗn hợp gồm phân bò và nhựa chai (loại nhựa dùng để trét thuyền) để trét dọc theo đáy thuyền nhằm chống thấm hoàn toàn. Bước cuối cùng, chiếc thuyền được phủ một lớp nhựa cây đặc biệt của địa phương trước khi đem phơi nắng.
Lão nghệ nhân lành nghề thoăn thoắt đan những nan tre đầu tiên khi làm chiếc thuyền thúng truyền thống. Ảnh Staunstrup
Ngày nay, thuyền thúng còn được sản xuất với nhiều biến thể, bởi những người ngư dân đầy sáng tạo. Các phiên bản hiện đại của thuyền thúng như sử dụng sợi thủy tinh, vải và composite để thay tre làm nguyên liệu sản xuất chính, làm cho thuyền nhẹ và bền hơn. Nhiều người có lắp cả cánh buồm hoặc động cơ để giúp họ đi xa hơn ngoài biển và tiết kiệm sức người.
Nghệ thuật điều khiển thuyền thúng
Các thế hệ ngư dân đã sử dụng thuyền thúng hơn 100 năm nay, nhờ vào kỹ thuật sản xuất và sáng tạo vượt trội của họ. Với hình dạng tròn và làm từ vật liệu nhẹ đã giúp chúng di chuyển một cách tự nhiên trên biển. Trong khi những chiếc thuyền khác di chuyển theo cách thức cắt qua mặt nước, thì thuyền thúng lại ở trên những ngọn sóng và hiếm khi bị lật. Điều này giúp cho ngư dân có thể câu cá gần bờ so với các tàu khác. Thuyền thúng lại có thể được đẩy thẳng xuống biển từ bãi cát, trong khi những con thuyền dài và nặng thường phải xuống nước khó khăn hơn và thông qua một con sông gần biển.
Nhìn những người ngư dân lành nghề điều khiển thuyền thúng, bạn đừng nghĩ rằng chúng dễ dàng chèo láy, thật ra lại khó vô cùng, để điều khiển một chiếc thuyền thúng đúng cách cần phải có nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Không giống như những chiếc thuyền khác, hình dạng tròn như chiếc thúng khiến chúng quay tròn nếu không biết cách điều khiển. Theo truyền thống, thì người ngư dân sẽ điều khiển chúng bằng cách vẫy một mái chèo qua lại giống như hình vòng cung. Nói thì dễ, nhưng lại rất khó đấy, bạn hãy thử một lần để trải nghiệm, nếu có dịp nhé!
Giá trị văn hóa làng biển
Thuyền thúng là một phần quan trọng trong văn hóa của các cộng đồng ngư dân ven biển Việt Nam. Ngoài là công cụ phục vụ đánh bắt, chúng còn được sử dụng như một dạng thuyền cứu sinh trong những trường hợp khẩn cấp trên biển, là phương tiện vận chuyển hiệu quả hàng hóa nhẹ và người. Các cuộc đua thuyền thúng cũng là một phần vai trò rất quan trọng và thú vị của chúng trong các hội làng ở địa phương.
Thuyền thúng không chỉ chở hàng, chở người mà còn mang giá trị chuyên chở văn hóa, lối sống và phong tục nghề cá làng biển Việt Nam.
Thuyền thúng còn là biểu tượng cho sự độc lập và sáng tạo của người ngư dân. Ngư dân hiện đại thường phải làm việc trên các tàu đánh cá lớn ngoài khơi và họ phải xa gia đình hàng tháng trời. Việc sở hữu một chiếc thuyền thúng có thể cho phép họ hoạt động độc lập và có thể tự kiếm sống. Trong nhiều trường hợp, một phần nhờ vào thuyền thúng, mà nghề câu cá đã trở thành công việc của gia đình và được truyền qua các thế hệ tương lai.
Xã hội đang ngày càng chuyển mình hiện đại hơn, nghề biển cũng ảnh hưởng ít nhiều. Trong guồng quay đó, không ít các ngư cụ hay phương tiện đánh bắt truyền thống bị đào thải khỏi đời sống vì không thể thích nghi với sự thay đổi của nghề. Nhưng đâu đó, trên các vùng biển đảo Việt Nam, ta vẫn dễ dàng bắt gặp những chiếc thuyền thúng đang úp mình trên bãi cát hoặc băng băng vượt ngọn sóng lừng. Đó là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa làng biển, văn hóa sử dụng thuyền thúng, chiếc thuyền tuy đơn sơ nhưng uyển chuyển thích nghi, gắn bó và tồn tại cùng người ngư dân bám biển suốt mấy đời người.