“Chúng tôi muốn bán tôm có chất lượng”
Trả lời câu hỏi phóng viên, ông Quang cho rằng, điều mà các cơ quan Nhà nước có thể làm để hỗ trợ cho ngành thủy sản chính là cần tăng cường kiểm soát kháng sinh trong nuôi tôm hiệu quả hơn và đấu tranh với nghị viện EU để nghiêm cấm việc mạ băng trên 15% và kiểm soát tôm nhập vào EU bằng trọng lượng tịnh của tôm chứ không tính trọng lượng cả lớp mạ băng.
Tại phiên đối thoại Việt Nam – EU vì sự phát triển bền vững của sản xuất và thương mại tôm, lãnh đạo Minh Phú cũng thẳng thắn: “Chúng tôi muốn bán tôm có chất lượng, đúng theo tiêu chuẩn, chứ không muốn gian dối để tăng trọng lượng con tôm khi mạ băng. Nhưng nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu nên chúng tôi phải làm theo”.
Đáp lại, ông Olivier Hottlet, Giám đốc Tập đoàn Hottlet Frozen Foods cho rằng, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam đôi khi vi phạm tiêu chuẩn chất lượng do họ làm theo đơn đặt hàng của một số nhà nhập khẩu. Điều này khiến ông rất lo ngại.
“Thực tế, việc mạ băng sản phẩm cũng không phải là vấn đề nhưng điều đó phải được thể hiện trên bao bì. Việc ghi đúng thông tin trên bao bì là rất quan trọng. Có thể khách hàng hoặc nhà quản lý không biết, nhưng đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt hiện trạng này. Phía châu Âu nên có hành động cụ thể”, ông Hottler nêu quan điểm.
Các đối tác châu Âu cho rằng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên từ chối những nhà nhập khẩu/phân phối nếu họ đưa ra các yêu cầu gian dối. Nếu không, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến uy tín chất lượng của sản phẩm tôm Việt Nam trong tương lai gần.
Vi phạm nằm trong… đơn đặt hàng!
Bên cạnh đó, vi phạm quy định về ghi nhãn bao bì đóng gói sản phẩm tôm được cho là vấn đề nổi bật trong hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU hiện nay. Có thể kể đến việc doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và Ecuador nhưng lại đề nguồn gốc từ Việt Nam trên bao bì, hoặc thành phần dinh dưỡng và trọng lượng trên bao bì không đúng với sản phẩm.
Tại cuộc đối thoại này, các doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội chia sẻ rằng, những vi phạm trên thực ra lại là yêu cầu trong đơn đặt hàng từ phía các nhà nhập khẩu và phân phối châu Âu do họ muốn cạnh tranh hạ giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, một thông tin đưa ra tại phiên đối thoại này cho thấy, người tiêu dùng châu Âu hiện nay không biết có bao nhiêu loại tôm và không hiểu dựa trên tiêu chí nào mà các loại tôm lại có giá khác nhau.
Bà Véronique Quintelier, đại diện tập đoàn bán lẻ Colruyt, cho biết: “Người tiêu dùng hỏi chúng tôi tại sao tôm sú lại đắt hơn tôm thẻ. Họ cũng không hiểu chứng chỉ ASC hay Global GAP nghĩa là gì. Họ chỉ biết là nên mua những sản phẩm có chứng nhận này”.
Theo đó, vị này cho rằng, việc nâng cao hiểu biết về sản phẩm cho người tiêu dùng châu Âu là rất quan trọng, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên để thông tin minh bạch đến được với người tiêu dùng. Họ nên được biết nguồn gốc xuất xứ của con tôm, để đến được tay họ thì con tôm đó đã trải qua quá trình như thế nào.
“Thông thường, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm dựa vào sự hiểu biết của họ về nhãn hàng, nhưng hiện tại, họ chỉ biết dựa vào tên tuổi của nhà phân phối hoặc bán lẻ. Nếu Việt Nam làm tốt hơn việc quảng bá nhãn hiệu sản phẩm tôm của mình thì sẽ không bị phụ thuộc vào tên tuổi của nhà phân phối”, bà Veronique lưu ý.