Hệ vi sinh vật đường ruột cá hồi quan trọng ra sao?
Nhiều ý kiến cho rằng, sức khỏe và phúc lợi của cá bị ảnh hưởng nhiều bởi hệ vi sinh vật của chúng, hệ thống đóng vai trò cơ bản trong các quá trình sinh học khác nhau như trao đổi chất và phản ứng miễn dịch của cá.
Điều quan trọng là phải hiểu hệ vi sinh đường ruột của sinh vật bị thay đổi như thế nào dưới những tác động của môi trường và điều kiện của vật chủ, hơn hết là các yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của vật chủ.
Về vấn đề này, dòng Hệ gen nuôi trồng thủy sản (RP1) của Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Liên ngành (INCAR) đang thực hiện một loạt các nghiên cứu để tìm hiểu các yếu tố hình thành hệ vi sinh vật đường ruột ở cá nhằm thúc đẩy sự phát triển, hỗ trợ gia tăng sức khỏe giúp cá sống khỏe mạnh trong các hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Gần đây, các nhà khoa học của INCAR RP1 tiến hành nghiên cứu sâu vào các cộng đồng vi khuẩn liên quan đến quá trình cá hồi chuyển đổi môi trường sống từ nước ngọt sang nước mặn.
Đối với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thiết kế một thí nghiệm trong đó hệ vi sinh vật đường ruột của cá hồi chuyển sang nước biển được đánh giá theo các chiến lược khác nhau: sốc mặn, thay đổi độ mặn dần dần và sử dụng thức ăn có công thức đặc biệt để chuẩn bị cho cá khi chúng di chuyển ra biển.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc thực hiện chuyển cá thông qua thay đổi độ mặn dần dần dẫn đến sự phong phú hơn trong cộng đồng vi khuẩn của cá, điều này có thể liên quan đến tình trạng sức khỏe và khả năng phục hồi tốt hơn
Giai đoạn nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên khám phá hệ vi sinh vật đường ruột của cá hồi Đại Tây Dương khi tiếp xúc với những thay đổi dần dần về độ mặn trong quá trình di cư của chúng.
Nghiên cứu nhằm mục đích khám phá sự đa dạng và phong phú của hệ vi sinh vật đường ruột ở cá hồi Đại Tây Dương trong quá trình chuyển sang môi trường biển theo 3 chiến lược.
Nhóm đầu tiên tiếp xúc với sự thay đổi độ mặn, nhóm 2 tiến hành cho sốc độ mặn và nhóm 3 sẽ sử dụng các thực phẩm bổ sung cho cá khi chuyển sang nước biển. Đối với điều này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ giải trình tự Oxford Nanopore, cho phép họ giải trình tự gen 16S hoàn chỉnh, hỗ trợ xác định các loài riêng lẻ từ các mẫu.
Ngoài ra, nghiên cứu mô tả chức năng có thể có của các cộng đồng vi sinh vật được xác định trong mỗi nhóm cá.
Các phát hiện cho thấy rằng nhóm tiếp xúc với sự thay đổi độ mặn và nhóm được cho ăn theo chế độ đặc biệt có sự đa dạng vi sinh vật đường ruột cao hơn (trong đó, proteobacteria chiếm ưu thế) cho thấy mối quan hệ tích cực giữa các cộng đồng vi khuẩn và sức khỏe của cá được chuyển sang nước biển theo cả hai chiến lược.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, các kết quả thu được có thể được sử dụng như một công cụ bổ sung để đánh giá cá con trước khi chúng chuyển sang nước biển, có lợi cho sức khỏe và khả năng phục hồi của cá, giúp gia tăng tỷ lệ sống sót của cá hồi trong quá trình thay đổi môi trường sống của chúng.
Do phương pháp được sử dụng cho nghiên cứu hệ vi sinh vật đã có thể xác định vai trò chức năng của các nhóm vi khuẩn được xác định trong các nhóm thử nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, với những kết quả này, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mặc dù có sự khác biệt về mặt phân loại nhưng một số lượng nhỏ các con đường trao đổi chất được xác định có sự khác biệt đáng kể (giữa các nhóm được đánh giá) hầu hết đều liên quan đến quá trình sinh tổng hợp.
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy rằng việc thực hiện những thay đổi dần về độ mặn trước khi chuyển sang nước biển sẽ tạo ra sự phong phú hơn trong hệ vi sinh vật đường ruột cho cá hồi Đại Tây Dương. Phát hiện này có thễ hỗ trợ khả năng thích ứng của cá với môi trường biển cao hơn và giảm tỷ lệ tử vong trong giai đoạn này của quy trình sản xuất.