Tỉnh phối hợp cùng huyện và các xã nằm trong vùng nuôi tập trung, nhanh chóng xử lý môi trường nuôi, tiêu độc sát trùng ao nuôi đã bị nhiễm bệnh, thực hiện nghiêm việc cắt vụ tôm sú... nhằm cắt đứt nguồn lây lan mầm bệnh, không để tiếp tục gây thiệt hại cho những vụ sau. Trước mắt, tỉnh đã đưa về các địa phương trên 5,5 tấn hóa chất TCCA và trên 20,3 tấn Chlorine (nồng độ xử lý 10 kg TCCA và 20 kg Chlorine/1.000 m2 mặt nước) để tiêu độc, khử trùng ao nuôi tôm bị bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhanh chóng triển khai hướng dẫn, hỗ trợ người nuôi tôm Tân Phú Đông bị thiệt hại do dịch bệnh, khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất trong vụ tới.
Mức hỗ trợ bình quân theo qui định của UBND tỉnh là 5 triệu đồng/ha đối với diện tích nuôi tôm thâm canh và 2 triệu đồng/ha với dạng nuôi quảng canh. Để được nhận tiền hỗ trợ, người dân phải hội đủ các điều kiện: Có giấy chứng nhận kiểm dịch tôm giống thả nuôi của cơ quan thú y cấp và biên bản xác minh bệnh thủy sản, biên bản xử lý tiêu độc khử trùng ao nuôi tôm bị bệnh có xác nhận của UBND xã cùng trạm thú y huyện, cũng như chủ hộ nuôi.
Trong vụ nuôi 2012, huyện Tân Phú Đông đã thả nuôi trên 1.242 ha tôm thâm canh và bán thâm canh; trên 2.056 ha dạng quảng canh. Tuy nhiên, trong vụ nuôi 2012, dịch bệnh diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng cho vùng nuôi tôm tập trung Tân Phú Đông, chủ yếu bởi “Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính” (AHPNS) chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn vùng có trên 468 ha nuôi thâm canh, bán thâm canh và 1.032 ha nuôi quảng canh bị dịch bệnh tấn công. Tỉ lệ nhiễm bệnh là trên 37,7% diện tích tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh và trên 50% tổng diện tích nuôi quảng canh. Do dịch bệnh nên đến ngày 1/11, nông dân địa phương mới thu hoạch từ nuôi trồng gần 6.800 tấn tôm thương phẩm các loại, chỉ đạt trên 53% chỉ tiêu năm 2012 mà thôi./.