Tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch… là những cụm từ mà chúng ta vẫn thường nghe thấy mỗi khi sản xuất nông sản gặp vấn đề về tiêu thụ. Các mô hình và cơ chế, chính sách để xóa bỏ tình trạng tự phát, nhỏ lẻ, manh mún… đều đã có, nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút nông dân tham gia, nên đến nay vẫn chưa thể giải quyết một cách căn cơ vấn đề này. Và đó cũng chính là một trong những lý do khiến cho một số mặt hàng nông sản chưa thể thoát khỏi tình trạng giải cứu, mà mới đây nhất là mặt hàng dưa hấu của các tỉnh khu vực miền Trung.
Giải thích nguyên nhân nhiều loại nông sản Việt Nam thường rơi vào tình trạng “giải cứu”, một số ý kiến cho rằng là do công tác thị trường của chúng ta yếu hơn cả người bán giống, bán chế phẩm hay thương lái. Khi thấy có lợi cho mình, từ người bán cây giống cho đến vật tư nông nghiệp hay tiêu thụ nông sản đều khuếch tán thông tin để dân đổ xô vào sản xuất, đến khi thu hoạch, không có thị trường tiêu thụ thì nông dân lãnh đủ, còn họ vẫn ung dung hưởng lợi. Trường hợp trái chuối miền Đông, dưa hấu miền Trung hay con heo vì sao có lúc hút hàng, giá cao, có lúc rẻ bèo vẫn không có ai mua chỉ có doanh nghiệp, thương lái mới biết, còn nông dân gần như mù tịt.
Đơn cử như thị trường Trung Quốc, hầu như các mặt hàng nông sản nào do Việt Nam sản xuất, thị trường này đều có nhu cầu rất lớn, mặc dù trong nước họ vẫn sản xuất được. Như vậy, muốn bán được hàng nông sản sang Trung Quốc một cách tốt nhất, ngoài chuyện phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm ra, chúng ta cần tìm hiểu xem, lúc nào nhu cầu họ cần cao, nhưng sản lượng trong nước họ ít thì mới đưa hàng của mình sang.
Không nói đâu xa, ngay cả sản phẩm chuối, nếu không có biến động lớn về thời tiết, dịch bệnh trong nước, thị trường Trung Quốc chỉ có nhu cầu nhập khẩu chuối mạnh trong vòng 4 tháng (từ tháng 2 – 5 hàng năm). Một số mặt hàng nông sản khác như: dưa hấu, vải, nhãn, ớt… không phải lúc nào thị trường Trung Quốc cũng cần. Ngay như con tôm, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc là rất lớn, nhưng theo ông Mei Xin Zhong – Phó hội trưởng thường trực Liên đoàn công thương và Hiệp hội ngành hàng thủy sản Trung Quốc, phải từ nửa cuối tháng 6 trở đi, thị trường tôm ở Trung Quốc mới thật sự sôi động.
Như vậy có thể thấy, để nông sản hàng hóa Việt Nam tiêu thụ tốt, bên cạnh các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng thị trường thôi là chưa đủ, mà chúng ta cần có cách tiếp cận thị trường một cách khôn ngoan, hay nói một cách khác là chúng ta cần biết rõ lúc nào thị trường cần loại sản phẩm nào, số lượng khoảng bao nhiêu, tiêu chuẩn ra sao… thì mới hạn chế tối đa tình trạng giải cứu nông sản như vừa qua.
Thời gian gần đây, Trung Quốc nổi lên thành thị trường tiêu thụ chính đối với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Từ trái chuối, thanh long, dưa hấu, cho đến con tôm, cá tra… Và tuy đôi lúc cũng có những trục trặc ở thị trường này, nhưng công bằng mà nói, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn cho nông sản Việt Nam, nếu biết cách tiếp cận, khai thác tốt, bởi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang tăng rất nhanh, nên đây cũng là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiêu thụ ở thị trường này.
Trung Quốc là thị trường truyền thống của nông sản Việt Nam nhưng lâu nay chưa được tổ chức cung ứng một cách bài bản, nhiều doanh nghiệp coi đây là thị trường dễ tính. Từ đó, chưa có sự đầu tư đúng mức để mang lại giá trị gia tăng cao. Vì vậy, vai trò của tham tán thương mại nông nghiệp rất quan trọng, họ cần nắm thông tin mùa vụ, diện tích, năng suất, sản lượng để nông sản Việt Nam tránh đụng hàng khó tiêu thụ.
Điều này cũng được ông Mei Xin Zhong đề cập đến với trọng tâm là các doanh nghiệp Việt Nam còn tập trung quá nhiều vào con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Ông Mei Xin Zhong chia sẻ: “Việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sẽ đem đến nhiều rủi ro hơn cho doanh nghiệp và nông sản Việt Nam, mà điển hình nhất là nó làm cho giá xuất khẩu chính ngạch bị giảm sút. Tôi biết có rất nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được bày bán ở Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng Trung Quốc thì không biết đó là của Việt Nam, bởi nó đã được gắn thương hiệu, nhãn mác khác”.
Như vậy, bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề mở rộng, tiếp cận thị trường một cách khôn ngoan để định hướng cho sản xuất, giúp tối ưu hóa hiệu quả là rất cần thiết và cũng để giải quyết căn cơ bài toán giải cứu nông sản hàng hóa như vừa qua.