Nghề khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng, cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng đang phát triển trong những năm gần đây. Trong đánh bắt thủy sản, ngư dân sử dụng nhiều loại bóng đèn khác nhau để chiếu sáng thu hút cá như đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, đèn cao áp… Nhưng công nghệ phổ biến nhất hiện nay của ngư dân là sử dụng đèn Metal Halide (thường gọi là đèn Silk) lắp trên hai mạn tàu để tập trung cá. Tuy nhiên, dùng đèn Silk vẫn có nhiều khuyết điểm, như hiệu suất phát sáng thấp mà chủ yếu điện biến thành nhiệt, ở tim đèn nóng tới hàng ngàn độ C; ánh sáng không tập trung chiếu xuống nước để dẫn dụ cá mà chiếu lên trời. Ngoài ra, việc sử dụng đèn Silk công suất lớn để phát sáng tập trung đàn cá dẫn đến sử dụng nhiều nhiên liệu dầu diesel dùng cho máy phát điện, gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là gây hại trực tiếp đến sức khỏe của ngư dân khi tiếp xúc với nguồn sáng có công suất lớn.
Do đó, để hạn chế những điểm yếu, các nhà sản xuất liên tục đưa ra những sản phẩm mới có tính năng cũng như hiệu quả chiếu sáng cao, đó là đèn Led. Mô hình “Trang bị đèn Led trên tàu khai thác hải sản xa bờ” do Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết triển khai, nhằm giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, an toàn cho người lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Nguyễn Thanh Bình – khu phố 4, phường Phú Hài là hộ đầu tiên áp dụng mô hình này trên tàu vỏ gỗ BTh 99441 TS có công suất 350CV, hoạt động nghề lưới vây rút chì. Theo đó, anh Bình được hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện mô hình với tổng kinh phí lắp đặt 40 bóng đèn Led là 168 triệu đồng.
Đưa mô hình vào hoạt động từ tháng 7/2018, sau nhiều chuyến biển tàu của anh Bình khai thác khá hiệu quả. Anh cho biết: “Qua thực hiện mô hình, lượng nhiên liệu mỗi chuyến giảm 1.000 lít và lượng dầu diesel để chong 40 bóng đèn Led mỗi đêm tiêu tốn 20 lít; trong khi đó, trước kia lượng dầu diesel tiêu tốn mỗi đêm để chong 11 bóng đèn cao áp là 30 lít. Ngoài ra, sử dụng đèn Led khi chong đèn, cá đứng đèn mạnh hơn so với bóng cao áp, đặc biệt là cá ngừ. Mô hình này đã giúp chúng tôi giảm được chi phí nhiên liệu, từ đó giảm chi phí cho mỗi chuyến biển”. Sau khi mô hình đi vào hoạt động, mỗi chuyến biển, anh Bình đều ghi chép sản lượng khai thác để có thể so sánh khi dùng đèn Silk trước đây. Chuyến biển từ ngày 30/7/2018 đến ngày 24/8/2018, sản lượng khai thác đạt 40 tấn, doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí 200 triệu đồng, còn lãi 1,2 tỷ đồng. Chuyến biển từ ngày 28/9/2018 đến ngày 23/10/2018, sản lượng khai thác đạt 20 tấn, doanh thu đạt 900 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí 200 triệu đồng, còn lãi 700 triệu đồng…
Qua đó, anh Bình khẳng định mức tiêu thụ nhiên liệu khi sử dụng đèn Led thấp hơn so với sử dụng đèn cao áp để chong đèn dẫn dụ cá. Hiện nay, số lượng tàu thuyền khai thác kết hợp ánh sáng trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.643 chiếc, bao gồm các nghề lưới vây rút chì, lưới mành, câu mực, pha xúc và mành chụp; do đó, khả năng nhân rộng mô hình này rất lớn.
Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có thêm 2 tàu đánh bắt xa bờ của phường Phú Hài áp dụng đèn Led để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, một phần do chi phí của loại đèn Led này còn cao, nên một số ngư dân ngại thay đổi. Nhưng nếu làm bài toán đường dài thì mô hình này sẽ giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí sau mỗi chuyến biển trong thời buổi giá xăng dầu tăng cao và đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn.