Hướng dẫn cách nhận biết bệnh gan tụy cho người nuôi tôm.
Theo Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám, tôm chết do bệnh gan tụy đang có xu hướng bùng phát thành dịch không chỉ tại ĐBSCL mà còn ở các tỉnh miền Trung như Phú Yên và miền Bắc là Hải Phòng, Nghệ An. Nếu không ngăn chặn sớm thì sẽ không thể thống kê hết thiệt hại kinh tế cho người dân nuôi tôm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, bệnh gan tụy khiến 20-40% diện tích nuôi tôm của nhiều tỉnh thành bị mất trắng. Cụ thể, Sóc Trăng 20%, Bạc Liêu 38% và Trà Vinh 40%. Những tỉnh khác diện tích tôm mất trắng khoảng 10%. Dự báo, thời gian tới diện tích tôm chết vì bệnh gan tụy sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, trước đây, bệnh gan tụy chỉ có nhiều trên tôm sú nhưng sang năm 2012 tại Sóc Trăng tỷ lệ tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị chết do bệnh gan tụy là như nhau.
Để giải quyết tình trạng này, Tổng cục Thủy sản đã đề ra giải pháp mời các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu các phác đồ điều trị cho tôm. Đồng thời Tổng cục Thủy sản cũng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm để kết hợp với các chuyên gia nước ngoài tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh gan tụy trên tôm sớm nhất có thể.
Về nguyên nhân gây bệnh, trước đây, các nhà khoa học cho rằng, bệnh gan tụy trên tôm là do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc cypermethrin để diệt giáp xác trong ao nuôi tôm. Nhưng sau đó, cypermethrin đã được Tổng cục Thủy sản cấm sử dụng mà bệnh xuất hiện vẫn nhiều hơn và không có dấu hiệu giảm. Hiện nay, một số nước nuôi tôm trong khu vực cũng đang phải đối mặt với bệnh gan tụy mặc dù những nước này không sử dụng cypermethrin. Vì thế cypermethrin chỉ là một trong những tác nhân gây bệnh.
Trước tình hình này, Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) đã hỗ trợ không hoàn lại cho Bộ NN&PTNT số tiền 500.000 đô la Mỹ để khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi.