Cá điêu hồng
Cá điêu hồng hay cá diêu hồng hay còn gọi là cá rô phi đỏ (danh pháp khoa học: Oreochromis sp.) là một loài cá nước ngọt thuộc họ Cá rô phi (Cichlidae) có nguồn gốc hình thành từ lai tạo.
Năm 1968, ở Đài Loan người ta phát hiện một số cá bột rô phi cỏ (Oreochromis mosambicus) có màu đỏ, do bị đột biến "bạch tạng" không hoàn toàn. Sau đó những con cá này (đột biến bạch tạng của loài O. mossambicus) được cho lai với loài O. niloticus (rô phi vằn) được thế hệ F1 có 30% là rô phi màu đỏ (điêu hồng), những cá thể này có những chấm đen ở hai bên cơ thể gần như đối xứng nhau. Những cá thể F1 đỏ này tiếp tục được sinh sản và đã nâng được tỷ lệ đỏ lên 80%.
Năm 1975, xuất hiện một cá cái rô phi đỏ có màu sáng và nặng 1.200 g trong vòng 18 tháng nên cho lai những con này với con rô phi đỏ khác thì được 4 nhóm: đỏ, nâu, đen, trắng nhạt. Dòng đỏ và trắng nhạt hoàn toàn không còn chấm đen. Cho dòng đỏ này sinh sản thì có tỷ lệ màu đỏ của F1 cao và màu đỏ rất ổn định.
Cá điêu hồng được nuôi phổ biến nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long
Người ta còn lai rô phi màu đỏ (điêu hồng) với dòng O. aureus cho ra được F1 có 65% màu đỏ toàn là đực, 35% màu đen thì có 7 - 8% là cá cái. Cá F1 lớn nhanh nhất là con đực, có thể đạt cỡ 2 – 3 kg. Khi lai cá diêu hồng với dòng O. urolesis hornorum thì cho ra F1 có 65% đỏ, 35% đen và 100% là cá đực.
Ở Việt Nam, trường Đại học Cần Thơ đã nhập 1 đàn cá điêu hồng từ AIT (năm 1990) và thử nghiệm nuôi, nghiên cứu về sinh học, khả năng chịu đựng của cá diêu hồng với độ mặn, pH, nhiệt độ,...
Từ năm 1997, cá điêu hồng được nhập về để nuôi thương phẩm. Hiện nay cá điêu hồng đã phát triển tốt trong điều kiện khí hậu bản địa và là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế do chất lượng thịt thơm ngon, thịt cá điêu hồng có màu trắng, trong sạch, các thớ thịt được cấu trúc chắc và đặc biệt là thịt không quá nhiều xương.
Chúng được nuôi phổ biến nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên cá điêu hồng chủ yếu được tiêu thụ ở nội địa, chưa có thị trường xuất khẩu nên đã ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô nuôi loại cá này.
Cá mú trân châu
Cá mú lai (hay còn gọi là cá mú trân châu) được sản xuất ra bằng cách thụ tinh nhân tạo giữa trứng cá mú cọp cái (♀ E. fuscoguttatus) với tinh của cá mú nghệ đực (♂ E. lanceolatus).
Đây là loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, có tiềm năng đang được phát triển nuôi nhiều tại một số nước như: Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc và Việt Nam.
Cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực là loài kích thước và khối lượng lớn, kích thước tối đa dài đến 3 m, khối lượng có thể đạt 500-600 kg. Có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chịu đựng cao đối với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường, khả năng chống chịu bệnh tật cao, khả năng di chuyển và sống sót cao của tinh trùng trong điều kiện bảo quản lạnh đạt 70 - 80%.
Cá mú đen Epinephelus coioides cái có thịt trắng tươi ngon, giá trị dinh dưỡng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng thích nghi với môi trường tốt, sức sinh sản cao (600.000 - 1.900.000 trứng/kg cá cái), mùa vụ sinh sản quanh năm.
Cơ sở khoa học của việc sản xuất giống cá mú lai là khả năng thừa kế và cải thiện về đặc điểm di truyền của thế hệ con lai so với bố mẹ. Bên cạnh, một số ưu điểm như khả năng sống rộng muối, phổ thức ăn rộng, nuôi được cả lồng bè và ao đất, cá mú lai còn có những đặc tính nổi trội hơn do thừa hưởng từ bố mẹ so với một số loài cá mú khác như: (i) tốc độ tăng trưởng nhanh, (ii) chất lượng thịt thơm ngon, (iii) khả năng kháng bệnh cao, (iv) khả năng chống chịu tốt với sự thay đổi của điều kiện môi trường.
Cá mú trân châu là loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Ảnh: Hải sản tươi sạch
Ở Việt Nam, nghề nuôi thương phẩm cá mú lai đã và đang phát triển nhanh trong một vài năm trở lại đây. Nguồn giống cá mú lai được cung cấp phục vụ cho nuôi thương phẩm chủ yếu từ hai nguồn chính là nhập khẩu từ nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia,…) và sản xuất trong nước.
Mặc dù, sản xuất giống cá mú lai trong nước đã thành công, tuy nhiên tỷ lệ sống chưa cao, cộng với nguồn cá bố mẹ ít nên số lượng trứng và cá giống được sản xuất ra hàng năm không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, nên nguồn giống cá mú lai vẫn phụ thuộc vào việc nhập giống từ nước ngoài.
Tuy nhiên, việc nhập giống cá mú lai từ nước ngoài đang đối diện với một số vấn đề như: chất lượng và số lượng con giống không ổn định, giá cao, cá thường bị yếu do vận chuyển xa và thay đổi môi trường sống làm ảnh hưởng tới quá trình nuôi thương phẩm, ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định nghề nuôi cá mú lai trong nước.