Nhiều nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các thành phần có tỷ lệ cân bằng và nhiều chất có khả năng thay thế nhằm giảm tỷ lệ bột cá trong thức ăn, giúp tiết kiệm chi phí nuôi và hạn chế những tác động đến môi trường, hướng đến sự bển vững cho ngành.
Bột cá là gì?
Bột cá là một loại sản phẩm được chế biến từ thịt cá,cá tạp, cá nguyên con, đầu và xương cá hay các phụ phẩm khác từ quá trình chế biến cá. Là sản phẩm giàu đạm, đạm của bột cá biển là đạm hoàn hảo, không chỉ bởi thành phần này giàu chất dinh dưỡng thiết yếu như axit amin, axit béo, phốt pho,…mà còn có tỷ lệ chất dinh dưỡng đạt trạng thái cân bằng gần ngưỡng lý tưởng.
Ngoài ra, bột cá cũng có tác dụng kích thích tính thèm ăn cực kỳ hiệu quả cho tôm khi sử dụng thức ăn. Bột cá có hệ số tiêu hóa cao bởi lẽ chứa nhiều đạm dễ hòa tan và hấp thu. Trong khi một số thành phần khác có thể giàu dinh dưỡng, nhưng không thể mang lại sự cân bằng lý tưởng như như bột cá và hầu hết không đạt được công dụng kích thích sự thèm ăn hiệu quả như bột cá.
Bột cá phổ biến và được tin dùng bởi tỷ lệ chất dinh dưỡng lý tưởng và hiệu quả kích thích thèm ăn cao. Ảnh: vasep.com.vn
Bột cá được chia làm hai loại: bột cá nhạt (độ mặn dưới 5%, protein >50%) và bột cá mặn. Trong chế biến thức ăn cho động vật thủy sản chỉ sử dụng bột cá nhạt. Bột cá thường được làm từ cá trích, cá mòi và cá cơm. Chất lượng bột cá phụ thuộc vào loài, độ tươi của nguyên liệu tươi, phương thức chế biến và bảo quản.
Được sử dụng với tỷ lệ 25 - 35%, thay đổi tùy theo mức protein trong thức ăn (Ví dụ đạm thô cho tôm sú post larvae là 40% tổng lượng đạm thì tỷ lệ bột cá trong thức ăn là 35%, trong khi đạm thô cho tôm trưởng thành là 28 - 30% thì tỷ lệ bột cá là 25%). Khuynh hướng thay thế protein của bột cá bằng các protein của phụ phẩm động vật như: bột huyết, bột xương, bột phế phẩm gia cầm là điều tất yếu khi bột cá ngày càng khan hiếm và giá cao.
HIện nay, đã có nhiều nghiên cứu tìm ra các chất có thể thay thế bột cá (vì bột cá chủ yếu làm từ cá biển), giúp giảm thiểu phần nào giá thành sản xuất. Tuy nhiên chỉ thay thế ở một hàm lượng thích hợp để không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi.
Quy trình sản xuất
Nguyên liệu và thiết bị chính: Về nguyên liệu bao gồm các loại cá tạp như: cá đù, cá phèn, cà mòi, cá dìa, cá chích,…và các thiết bị chính trong sản xuất gồm thiết bị gia nhiệt nước, máy ép trục vít, máy ly tâm, máy đánh tơi, máy sấy, máy nghiền,..
Ngoài ra, cá tươi được bảo quản bằng nước đá và muối. Có thể giữ tươi được 30 ngày, không bảo quản hỗn hợp muối quá 15% vì khi chế biến sẽ làm mất protein và vitamin.
Về quy trình sản xuất, đầu tiên cần phải xử lý nguyên liệu, rửa sạch cá khỏi bùn đất, tạp chất. Nếu như là cá dự trữ thì rửa bớt độ mặn của muối khi bảo quản. Cắt cá nhỏ từ 3 - 5cm.
Tiếp đến là nấu chín, dùng nồi có dung tích lớn gắn ròng rọc để điều khiển xé cá vào nối. Cho nguyên liệu tầm 50kg/mẻ và nấu từ 2 – 3 phút.
Kế đến là tiến hành ly tâm, sử dụng máy ly tâm 200 vòng/ phút. Sau khi cá chín đưa cá vào máy ly tâm. Quay từ 3 - 5 phút đến khi khô không còn nước chảy ra từ vòi thu dịch cá. Dịch cá thu được đóng thành can làm thức ăn gia súc.
Theo sau đó là công đoạn làm tơi, đổ cá vừa làm khô vào máy đánh tơi. Cho máy chạy từ 8-10 phút tới khi nguyên liệu rời ra từng mảnh nhỏ.
Sau đó đem đi sấy khô và nghiền, lấy nguyên liệu vừa làm tơi cho ra khay lưới, đưa vào tủ sấy 80 - 85℃ trong 7 - 8 giờ. Hoặc có thể phơi nắng đến khi khô. Sau khi sấy khô đưa nguyên liệu vào máy nghiền để nghiền nhỏ thành bột.
Cuối cùng là đóng gói, cho bột cá vào các bao bì để bảo quản, tránh cho sản phẩm bị hỏng do côn trùng, chuột bọ phá hoại.
Quy trình sản xuất bột cá
Tiêu chuẩn về thành phẩm bột cá phải đáp ứng các yêu cầu về các chỉ tiêu lý hóa. Về màu sắc. bột có màu nâu nhạt đến nâu đến là đạt. Phải có mùi thơm đặc trưng, không có mùi mốc và hôi. Bột cá phải tơi, không bị vón thành cục, không có sâu, mọt hay bị lẫn vật lạ. Về độ mịn, bột cá được sàng lọc phải lọt sáng có đường kính 3mm, phần còn xót lại không được quá 5%.