Thế mạnh chưa được khai thác hết
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 6 triệu tấn, tăng gần 2,47 lần so với 2001. Hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 165 quốc gia trên toàn thế giới, kim ngạch xuất khẩu 6,7 tỷ USD, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản và chiếm 5,07% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngành thủy sản góp phẩn giải quyết công ăn việc làm cho 4 triệu lao động, đặc biệt góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta.
Đặc biệt, thủy sản là thế mạnh của 9 tỉnh vùng duyên hải miền Trung (Thừa thiên Huế đến Bình Thuận), là vùng có ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, nhất là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trong vùng có nhiều vũng, vịnh, đầm phá… thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Nhờ thế mạnh này mà các tỉnh trong khu vực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Tính đến hết năm 2013, toàn vùng Duyên hải miền Trung có 46.201 tàu thuyền khai thác thủy sản, chiếm 39,49% số lượng tàu thuyền trong cả nước với tổng công suất 4 triệu CV (trong đó tàu công suất dưới 90CV là 34.918 chiếc và từ 90CV trở lên có 11.238 chiếc). Chủ yếu khai thác bằng nghề lưới kéo chiếm hơn 14,01%, lưới rê chiếm 28%, lưới vây chiếm 12%, nghề câu (trong đó có câu cá ngừ đại dương) chiếm 18%; 25% còn lại khai thác các nghề khác. Cơ cấu nghề khai thác có sự thay đổi so với năm 2005, nghề lưới rê chiếm tương đối cao do khai thác được các loại cá có giá trị kinh tế cao.
Cùng với năng lực tàu thuyền khai thác thủy sản tăng lên, lực lượng lao động làm việc trên các tàu thuyền cũng tăng theo. Hiện đã có hơn 2000 lao động làm việc trên các tàu thuyền. Tuy nhiên, phần đông các lao động này thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm… ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả khai thác.
Tại vùng duyên hải miền Trung, phương thức tổ chức khai thác thủy sản vẫn đang mang đặc thù của khai thác nhỏ, lẻ, manh mún, lạc hậu… Để khắc phục tình trạng trên, những năm qua các địa phương trong vùng đã xây dựng các mô hình tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, HTX nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá… Tính tới thời điểm này, toàn vùng có 41 cảng cá như Thuận An (Huế), Thọ Quang (Đà Nẵng), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định)… và 192 cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Cùng với khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh. Năm 2013, diện tích nuôi trồng toàn vùng đạt 33.778ha (tăng 3.366ha so với năm 2008), sản lượng nuôi trồng đạt hơn 180 tấn.
Tuy nhiên, việc bảo quản, chế biến và xuất khẩu thủy sản vẫn còn là điểm yếu. Phần lớn tàu thuyền khai thác trong vùng có công suất nhỏ, thiếu thiết bị bảo quản sản phẩm; thêm vào đó dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển, một số cảng xuống cấp không có khu tiếp nhận, phân loại sản phẩm… làm cho thủy sản sau khi khai thác không đảm bảo chất lượng, chẳng những đã gây tổn thất lớn mà còn làm lãng phí nguồn lợi.
Hiện trong vùng đã có 132 DN chế biến thủy sản xuất khẩu quy mô công nghiệp, tuy nhiên nguồn nguyên liệu không ổn định, chất lượng khai thác sản phẩm không cao nên các DN chưa thể khai thác hết công suất.
Cách nào tháo gỡ
Như trên đã nói, ngành khai thác, bảo quản, chế biển thủy sản vùng duyên hải miền Trung còn nhiều khó khăn vướng mắc. Có nhiều ví dụ như: Đang rất lạc hậu về phương tiện đánh bắt; nguồn nhân lực trình độ thấp; dịch vụ hậu cần nghề cá chưa tương xứng; thiếu phương tiện, cơ sở vật chất hiện đại bảo quản sản phẩm sau đánh bắt; các mô hình tổ chức sản xuất mới chưa phát huy hiệu quả; hoạt động xúc tiến thương mại ngành thủy sản chưa tương xứng với yêu cầu… Những điều nói trên là chuỗi dây chuyền ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản vùng duyên hải miền Trung.
Trước thực trạng ấy, việc tìm giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững thủy sản Vùng duyên hải miền Trung là rất cấp thiết.
Tại hội thảo, có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra xoay quanh vấn đề chú trọng đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá; thay đổi tư duy đánh bắt của ngư dân; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ngành thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đến nay mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt trên biển, nhưng chưa có chính sách nào mang tính lâu dài, ổn định. Ví như hỗ trợ rủi ro cho ngư dân; thí điểm đóng tàu sắt được thực hiện ở Quảng Ngãi thế nhưng hơn 1 năm nay chưa có con tàu nào nằm trong chương trình hỗ trợ vốn đóng tàu sắt hoạt động. Bởi thực tế cho thấy cơ chế cho vay và cơ chế xử lý rủi ro sử dụng theo cơ chế thương mại thông thường nên còn rất vướng mắc. “Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát lại các chính hỗ trợ ngư dân nắm tình hình thức tế làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ đưa ra chính sách thích hợp nhất”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, nói.
Cũng theo Thứ trưởng, dự kiến sắp tới của Bộ NN-PTNT có hai định hướng. Thứ nhất tập trung vào đầu tư tín dụng cho ngư dân, trong đó tín dụng trung và dài hạn, để ngư dân có điều kiện nâng tầm hoạt động; thực hiện bảo hiểm cho ngư dân theo QĐ 18 của Chính phủ; trang bị cho ngư dân thiết bị, thông tin liên lạc trên biển, phòng tránh rủi ro. Thứ hai là tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nghề câu cá ngừ đại dương.
Ông Nguyễn Bá Thanh, UVBCHTW Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương, Trưởng Ban điều phối Vùng nhấn mạnh: “Muốn phát triển bền vững từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, tiêu thụ ngành thủy sản tại vùng duyên hải miền Trung; trước hết phải hình thành các trung tâm hậu cần nghề cá, bởi vì muốn đánh bắt công nghiệp mà lại khai thác, chế biến, bảo quản thủ công thì không thể vươn lên. Thứ hai phải thay đổi cách tiếp cận, hình thành DN, tập đoàn đánh cá…”.
Theo ông Nguyễn Bá Thanh, sau hội thảo này, Ban điều phối vùng sẽ triển khai việc tổng hợp ý kiến, đề xuất từ các địa phương để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp; làm cơ sở phát triển các đề án, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển thủy sản. Đồng thời tăng cường phối hợp và liên kết với các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để thiết lập hệ thống thông tin chuỗi sản phẩm thủy sản xuất khẩu của vùng; cập nhật thị trường xuất khẩu của vùng trên các cổng thông tin điện tử vùng, địa phương; quảng cáo xúc tiến thương mại và bảo vệ thủy sản.