Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km. Đến 4 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam đồng Bằng Bắc Bộ và vùng núi tỉnh Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Từ đêm nay (26/10), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi; từ ngày mai (27/10) vùng biển vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ chiều mai gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Khu vực phía đông Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ họp khẩn
Chiều nay (26/10), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TƯ đã tổ chức họp khẩn để đề ra những phương án đối phó với bão số 8.
Được nhận định là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ đầu mùa đến nay và có tốc độ di chuyển nhanh chưa từng có, có lúc lên tới 35-40km/h, chỉ hơn một ngày nữa, bão số 8 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Tình hình rất khẩn cấp đối với cả tàu thuyền trên biển cũng như trên đất liền.
Bão số 8 di chuyển rất nhanh nhưng ngay từ 25/10, Bộ đội biên phòng đã thông báo hướng dẫn một số lượng lớn tàu thuyền di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Hiện còn khoảng 10 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và Quảng Ngãi đang chạy về bờ tránh bão. Ban chỉ đạo xác định nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ kịp thời số tàu này về bờ an toàn.
Còn trên bờ, lo ngại nhất là mưa lớn do bão. Theo dự báo, vùng trọng tâm mưa từ Thanh Hoá - Quảng Trị, lượng mưa sẽ đạt từ 300-400mm, trong đó các địa phương từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh có thể có mưa đến 500-600mm. Đây là mối nguy hiểm cho vùng rốn lũ miền Trung vốn chưa khắc phục xong thiệt hại do đợt mưa lũ trước, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra đê điều, những điểm xung yếu nhất và bố trí lực lượng và phương tiện hỗ trợ kịp thời.
Từ ngày 28/10, mưa còn lan ra cả Bắc Bộ, đe dọa các diện tích cây vụ đông của bà con vừa mới gieo trồng. Nếu bị ngập nặng, coi như sẽ thiệt hại hoàn toàn và không còn thời vụ để gieo trồng lại. Vì vậy, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu địa phương chuẩn bị sẵn sàng các trạm bơm tiêu úng khi cần, bảo vệ mùa màng cho bà con.
Miền Trung sẵn sàng ứng phó với bão số 8
Vào lúc này, các địa phương ở khu vực miền Trung đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 8, với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.
Các tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế nằm trong vùng nguy hiểm bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8 nên công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão và sơ tán lồng bè nuôi trồng thủy sản được đặt lên hàng đầu.
Tính đến sáng nay (26/10), cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã thông báo hướng dẫn cho hơn 1.200 tàu thuyền và gần 3.600 lao động đang hoạt động trên biển tìm nơi trú, tránh bão.
Chiều tối nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương ven biển đã kêu gọi gần 4.000 tàu thuyền hoạt động trên biển về bờ, hoặc tìm nơi tránh trú an toàn. Các huyện ven biển như Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân cũng đã triển khai kế hoạch chủ động di dời khoảng 20.000 hộ dân đến nơi an toàn.
Sáng nay, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi được 3.293 tàu cá với hơn 12.000 ngư dân tránh trú bão. Ngoài ra, Quảng Bình còn có 664 tàu với hơn 4.000 lao động đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển từ Thanh Hóa trở ra, cũng đã được hướng dẫn tránh trú bão.
Đến trưa nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị đã thông báo, hướng dẫn và kêu gọi gần 50 tàu với hơn 420 người đang hoạt động trên biển di chuyển vào bờ. Tại Thừa Thiên Huế, đến chiều nay, lực lượng chức năng đã kêu gọi 239 phương tiện vào neo đậu an toàn. Tỉnh cũng lên kế hoạch sơ tán, di dời khẩn cấp hơn 23.000 hộ dân ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đá đến nơi an toàn.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, từ ngày 27/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.
Là địa phương có nhiều công trình thủy lợi xung yếu, rút kinh nghiệm đối phó với các trận mưa lũ của những năm trước, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều đoàn xuống cơ sở tiến hành kiểm tra việc vận hành điều tiết xả lũ ở các hồ chứa lớn và các nhà máy thủy điện, đồng thời có phương án bảo vệ các công trình đang thi công ở Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện để tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống. Đảm bảo công tác chăm sóc y tế, cấp cứu người bị nạn ở các vùng bị chia cắt, cô lập, kiểm tra đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh, xử lý môi trường.