1. Cà Mau hiện có 300 ha nuôi tôm siêu thâm canh
Ngày 25/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau phối hợp với Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững tổ chức buổi tập huấn về cải tiến quy trình quản lý trong nuôi tôm cho 40 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu tham dự tập huấn được các kỹ sư chuyên ngành chia sẻ quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo công nghệ của Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam; cách sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc, thức ăn cho tôm nuôi.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được triển khai cách đây khoảng 03 năm và đã khẳng định được hiệu quả như: Năng suất cao, các chỉ số về môi trường và dịch bệnh được kiểm soát, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 300 ha thực hiện mô hình trên, theo ngành chuyên môn, thời gian tới diện tích này sẽ tiếp tục tăng lên.
2. ĐBSCL xuất siêu 3,5 tỷ USD
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm trong nước GDP toàn vùng đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng 6,45% so cùng kỳ năm 2016. Tuy sản lượng lúa vụ ĐX giảm khoảng 238.000 tấn, nhưng bù lại thủy sản đạt sản lượng hơn 4,7 triệu tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ. Trong đó sản lượng nuôi trồng đạt hơn 1 triệu tấn.
Riêng nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ) đang gặp thuận lợi về thời tiết và thị trường. Trong khi đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong vùng đạt trên 389.000 tỷ đồng (chiếm 19,2% so cả nước), tăng 11,1% so cùng kỳ. Riêng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 6,75 tỷ USD, tăng 11,3% so cùng kỳ, xuất siêu khoảng 3,5 tỷ USD. Các mặt hàng rau quả và thủy sản xuất khẩu chiếm 75-80% cả nước.
3. Xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đạt thuỷ sản 4,31 tỷ USD
Theo Bộ NN và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt 3,11 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,89 tỷ USD, tăng 18%; thuỷ sản 4,31 tỷ USD, tăng 17,5%; các mặt hàng lâm sản chính 4,41 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
4. Hơn 372 tấn cá nuôi trên sông Đà chết do xả lũ.
Theo Chi cục Thủy sản Phú Thọ, thủy điện Hòa Bình xả lũ đã ảnh hưởng tới nhiều hộ nuôi cá ở hai huyện dọc sông Đà của tỉnh Phú Thọ. Ước tính đến ngày 26/7 đã có 372 tấn cá bị chết.
Cụ thể, tổng số lồng cá ở hai huyện dọc sông Đà của tỉnh Phú Thọ (Thanh Sơn và Thanh Thủy) là 419 lồng, trong đó có tới 399 lồng thiệt hại từ 70 - 100%. Thiệt hại tại Thanh Sơn 40 lồng, Thanh Thuỷ 359 lồng, sản lượng cá thiệt hại ước tính 372 tấn.
5. 24.600 con cá chết hàng loạt ở Phú Yên do nhiễm vi khuẩn Vibrio
Đã có khoảng 24.600 con cá mú, hồng... bị chết tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An (Phú Yên). Cá đều có chung biểu hiện: lở loét, mù mắt, lờ đờ, bỏ ăn 3-5 ngày rồi chết.
Theo đó, nguyên nhân ban đầu khiến cá nhiễm bệnh lở loét, rồi chết nhanh được Sở NN&PTNT Phú Yên xác định là do vi khuẩn Vibrio gây ra, dịch bệnh càng lúc càng bùng phát và lan rộng.
Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh, được xác định là do mật độ lồng, bè nuôi quá dày (lồng bè nuôi cá, hàu) làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở sự lưu thông nước; Nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt của khu dân cư; Nước thải từ một số ao nuôi ốc hương trong khu vực xả thải ra môi trường chưa qua xử lý… trên tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio trong nước phát triển mạnh, vượt giới hạn cho phép, gây bệnh cho cá nuôi.