1. Cá tra giống không đủ nguồn cung, giá tăng cao
Giá cá tra giống đang ở mức đỉnh điểm, từ 40 - 60 nghìn đồng/kg (loại 20 con/kg) và từ 30 - 45 nghìn đồng/kg (30 con/kg), tăng hơn 20 nghìn đồng/kg so với tuần trước và cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, do giá cá nguyên liệu ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg (cá đạt chuẩn loại I) và 25.000 - 27.000 đồng/kg (cá đạt chuẩn loại II, III), nhiều hộ đã chủ động thả nuôi làm lượng cá giống thiếu hụt và tăng giá mạnh.
Theo HTX Thủy sản huyện Hồng Ngự, do nguồn cung mạnh, toàn huyện chỉ còn 53 cơ sở sản xuất nuôi cá tra going, giảm 20 cơ sở, hàng năm cung ứng cho thị trường hơn 500 triệu con cá tra giống và 10 tỷ con cá tra bột. Với mức giá hiện tại thì người nuôi cá tra giống có thể thu lãi 7 - 10 triệu đồng/tấn và người nuôi cá thương phẩm thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng/tấn cá nguyên liệu sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư.
2. Sản lượng tôm của Kiên Giang vượt mức 63.000 tấn
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, sản lượng tôm của tỉnh sẽ vượt mức 63.000 tấn trong năm 2017, tăng gần 10% so với năm 2016.
Đây là mức tăng cao kỷ lục trong ba năm trở lại đây của tỉnh Kiên Giang. Trong đó, diện tích nuôi tôm lúa tăng mạnh, đạt gần 90.000ha. Sản lượng tôm thu hoạch đến nay đã đạt 57.189 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, đây là năm thắng lợi của người nuôi tôm trong tỉnh không chỉ về diện tích thả nuôi, sản lượng cả năm ước sẽ vượt mốc 63.000 tấn, tăng khoảng 1.000 tấn tôm nguyên liệu. Hiện vùng nuôi tôm công nghiệp, các doanh nghiệp và hộ nuôi vẫn duy trì thả nuôi. Các vùng nuôi quảng canh đang chuẩn bị cải tạo để sớm thu hoạch vụ nuôi.
Giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức cao là yếu tố quan trọng thúc đẩy người nuôi mạnh dạn đầu tư. Đến tháng 10/2017, xuất khẩu tôm của nước ta đạt 2,7 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Tôm Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 93 thị trường, tăng 8 thị trường so với năm 2016.
3. 8 Bộ, ngành tìm giải pháp giúp hải sản Việt Nam thoát “thẻ vàng” của EU
Trước đó, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo trình Chính phủ về dự thảo một số giải pháp cấp bách, nhằm khắc phục cảnh báo của EC về vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp.
Để thực hiện, Bộ NN-PTNT cùng với 7 Bộ, ngành khác và các địa phương có liên quan sẽ cùng góp ý cho dự thảo nêu trên.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc hải sản Việt Nam bị rút "thẻ vàng" không chỉ tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản, mà còn làm tăng thời gian, chi phí của doanh nghiệp khi 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.
4. Nam Định: Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt trên 66 nghìn tấn
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định, nuôi thủy sản 9 tháng đầu năm phát triển đều trên các lĩnh vực nuôi thương phẩm và sản xuất giống. Về sản lượng, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 66.600 tấn, đạt 76,16% kế hoạch, bằng 119,39% cùng kỳ 2016. Trong đó, nuôi nước ngọt đạt 32.740 tấn.
Tổng sản lượng con giống đến hết tháng 9 năm 2017 ước đạt 11.097 triệu con. Trong đó, lượng con giống nước ngọt ước đạt 1.515 triệu con, con giống nước mặn lợ ước đạt 9.582 triệu con. Về nuôi thương phẩm, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 66.600 tấn, đạt 76,16% kế hoạch năm, bằng 119,39% cùng kỳ 2016. Trong đó, nuôi nước ngọt đạt 32.740 tấn.
Sản lượng nuôi nước mặn lợ đạt 33.883 tấn. Các đối tượng nuôi như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp cơ bản đã được thả giống ngay từ những ngày đầu tháng 4 đến tháng 5 năm 2017. Sản lượng tôm sú đến hết tháng 9 đạt 750 tấn; sản lượng tôm thẻ đạt 3.250 tấn. Bên cạnh đó, các loại cá truyền thống đang được thu tỉa, thả bù. Ngoài ra, ngao và 1 số đối tượng nuôi quảng canh đạt kích cỡ thương phẩm liên tục được người nuôi tiến hành thu hoạch. Những ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 1 đã thu thương phẩm với cỡ tôm 70-100 con/kg, đạt năng suất 5-7 tấn/ha, nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2 cũng bắt đầu được thu hoạch.
Từ đầu năm đến nay, nuôi thủy sản của tỉnh Nam Định phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là điều kiện thời tiết diễn biến hết sức phức tạp làm ảnh hưởng đến hiệu quả vụ nuôi. Cơn bão số 10 vào tháng 9, kết hợp triều cường dâng cao, mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại cho 4.458ha nuôi thủy sản. Trong đó có 775,8ha nuôi cá truyền thống, 1.659ha nuôi quảng canh tôm sú và cá biển; 157,5ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng; 1.885,7ha nuôi ngao. Hiện, các cơ quan chức năng và người nuôi trồng thủy sản đang tích cực khắc phục khó khăn, tranh thủ mọi điều kiện để tập trung củng cố ao đầm, bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi bù đắp thiệt hại, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra.