Tôm Thái Lan loay hoay tìm vị thế thị trường
Nông dân Thái Lan đang nỗ lực nâng giá tôm bán cho các nhà chế biến, trong khi các nhà chế biến chật vật giữ vị thế của họ trên các thị trường đang có nguồn cung tôm rẻ hơn từ các nhà cung cấp khác. “Với việc tăng giá bán, nông dân khiến các nhà chế biến gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu”, ông Jim Gulkin, giám đốc điều hành Siam Canadian cho hay. Mặc dù lợi ích của cả hai phía sẽ xuất hiện nếu hợp tác nhưng hiện cả hai bên không thể đối thoại với nhau”.
Trước đây, nông dân nuôi tôm Thái Lan tránh hợp tác với các nhà chế biến, chủ yếu do nhu cầu cao của các môi giới trung gian Trung Quốc – những người không đòi hỏi các loại chứng nhận. Tuy nhiên, do các nước khác như Ấn Độ và Indonesia đang bán với giá thấp hơn, thị trường Trung Quốc đang chuyển sang các nhà cung cấp này, bỏ lại sau lưng nông dân Thái Lan gặp khó khăn về đầu ra. “Các nhà chế biến cần thuyết phục nông dân rằng để thành công thì họ cần có người giúp và đó chính là các nhà chế biến”, ông Gulkin giải thích.
Theo ông Gulkin, các vấn đề với ngành tôm Thái Lan đang chồng chất và hàng loạt vấn đề cần được giải quyết gấp. “Thái Lan cần tìm cách thoát ra khỏi tình trạng hiện tại và giữ vị thế trên thị trường. Về lượng, Thái Lan không thể cạnh tranh với các đối thủ khác, nên phải tập trung vào hiệu quả, cơ sở hạ tầng, giá trị gia tăng”. Ông Gulkin cho rằng sản lượng tôm Thái Lan năm 2017 đạt 300.000 tấn và sản lượng tôm năm 2018 sẽ tương đương mức này.
Ấn Độ thúc đẩy phát triển nuôi tôm sú để đa dạng hóa xuất khẩu
Tôm sú được cho là giải pháp để Ấn Độ đa dạng hóa xuất khẩu thủy sản. Ông A Jayathilak, chủ tịch Cơ quan Phát triển Xuất khẩu thủy sản biển (MPEDA) cho biết, Ấn Độ sẽ tập trung vào nuôi tôm sú để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa xuất khẩu. Tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng chi phối, lên tới 70% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trị giá 5,64 tỷ USD của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 4/2017 – 1/2018.
“Nỗ lực này sẽ khôi phục hoạt động nuôi tôm sú sau 2 thập kỷ và chắc chắn sẽ mang lại doanh thu lớn, do nhu cầu và giá tôm sú đều rất cao trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Nhật Bản và EU”, ông nhấn mạnh. Tôm thẻ chiếm tỷ trọng áp đảo trong nuôi tôm tại Ấn Độ, trong khi tôm sú chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bé. Trước đây, nguồn cung tôm sú tại Ấn Độ chủ yếu từ khai thác biển và chưa được nuôi. Trong khi đó, tôm thẻ là loài dễ nuôi và có tính kinh tế cao, trở thành ngành thủy sản nuôi lớn tại Ấn Độ trong 10 năm qua.
MPEDA cho rằng một trong những rào cản lớn nhất của sự kém phát triển ngành nuôi tôm sú tại Ấn Độ là do thiếu con giống sạch bệnh. Ngành nuôi tôm sú từng phát triển tại Ấn Độ đến năm 1994 – khi dịch bệnh đốm trắng bùng phát làm giảm mạnh năng suất nuôi tôm sú. Năm 2009, tôm thẻ được giới thiệu cho ngành nuôi thủy sản ven biển Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm sú hiện đang có nhu cầu cao tại các thị trường châu Âu và Nhật Bản và có thể mang lại thu nhập cao hơn 20% cho người sản xuất.