Trong nuôi trồng thủy sản ký sinh trùng trên cá là một vấn đề hết sức nan giải tiêu biểu như trùng bánh xe, trùng quả dưa, trùng mỏ neo. Chúng thường gây hại vào giai đoạn cá giống và cá hương với tỷ lệ chết trên cá có thể lên đến 70% sau 5 - 7 ngày. Có rất nhiều tinh dầu và chiết xuất thảo dược để phòng trị ký sinh trùng trên cá. Nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá hiệu quả phòng trị ký sinh trùng từ tinh dầu của hai loài thực vật là Tiêu hương thảo và Bạc hà Âu trên cá.
Cây tiêu hương thảo (Lippia) là một chi thực vật có hoa trong họ Verbena, Verbenaceae. Đây là một loài thực vật mùi thơm do các loại tinh dầu của chúng tiết ra, trong thân, lá và hạt của chúng có chứa nhiều loại tinh dầu khác nhau như estragole, carvacrol, linalool, hoặc limonene. Đây là các hợp chất có tác dụng kháng khuẩn rất tốt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy việc sử dụng lá và hạt Tiêu hương thảo xay nhuyễn và trộn vào thức ăn giúp cá giảm bệnh do vi khuẩn (Li và cộng sự, 2010).
Bạc hà Âu (Mentha piperita) là một loại cây thuộc họ Lamiaceae, thân vuông, mọc đứng hay mọc bò, cao 30– 50 cm, có khi lên đến 1m, có rễ mọc ra từ các đốt. Toàn cây chứa tinh dầu trong có L-menthol 65 – 85%, menthyl acetat, L-menthon, L- a-pinen, L- limonen. Đây cũng là những hoạt chất kháng khuẩn mạnh, có tác dụng dược lý cao.
Nghiên cứu này đã đánh giá việc sử dụng phương pháp ngâm cá trong dung dịch có chứa tinh dầu của Tiêu hương thảo và Bạc hà Âu tác động lên các thông số huyết học của cá rô phi bị ký sinh đơn bào bởi Cichlidogyrus tilapiae, Cichlidogyrus thurstonae, Cichlidogyrus halli và Scutogyrus longicornis.
Tác dụng thảo dược mới trị ký sinh trùng trên cá
Tổng số 320 cá thể cá rô phi non được phân phối vào 16 bể chứa dung tích 100 L (20 con/bể) và được chia thành 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 4 lần.
Nhóm 1: Cá tiếp xúc với dung dịch chứa tinh dầu Tiêu hương thảo ở nồng độ ở 20 mg/L;
Nhóm 2: Cá tiếp xúc với dung dịch chứa 40 mg/L bạc hà Âu
Nhóm 3: Cá chỉ tiếp xúc với nước thường (Đối chứng);
Nhóm 4: Cá tiếp xúc với nước + hóa chất DMSO (dimethyl sulfoxide).
Cá đã phải chịu 3 lần tắm trong bể trong thời gian 10 phút, trong khoảng thời gian 24 giờ giữa các lần điều trị. Sau khi tắm lần thứ ba, việc phân tích ký sinh trùng và huyết học đã được thực hiện.
Kết quả cho thấy tỷ lệ ký sinh trùng trong nhóm cá được điều trị bằng tinh dầu đã giảm 70% so với nhóm đối chứng. Hiệu quả đạt được trong các nhóm cá sử dụng tinh dầu Tiêu hương thảo so với nhóm nước + DMSO lần lượt là 14,16% và 1,96% và so với điều trị bằng tinh dầu Bạc hà Âu, tương ứng là 33,33% và 41,63%.
Tổng số lượng hồng cầu (RBC) và tiểu cầu của nhóm cá đối chứng cũng thấp hơn ở cá được điều trị bằng tinh dầu Tiêu hương thảo. Nồng độ Glucose và số lượng bạch cầu trung tính cao hơn đáng kể ở cá được điều trị bằng tinh dầu Tiêu hương thảo.
Bài báo cáo đã cung cấp cho chúng ta một phương pháp trị ngoại ký sinh hữu hiệu trên cá thông qua thí nghiệm chặt chẽ. Đo đó, các nhà khoa học đề nghị rằng việc tắm cá với dung dịch có chứa 20 mg/L tinh dầu Tiêu hương thảo và 40 mg/L tinh dầu Bạc hà Âu nên được sử dụng để phòng trị sán lá đơn chủ.