● Xin ông cho biết tình hình hoạt động “nghề cấm” của ngư dân trên các đầm, vùng ven biển tỉnh ta hiện nay?
- Thời gian gần đây, tình trạng KTTS bằng các nghề trong danh mục cấm có chiều hướng gia tăng tại các đầm, phá ven biển. Đáng chú ý là tình trạng dùng XĐXM KTTS trên đầm Đề Gi và đầm Thị Nại diễn biến khá phức tạp. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng trên địa bàn các thôn Đức Phổ 1 và Đức Phổ 2 xã Cát Minh hiện còn 35 phương tiện trang bị gọng xiếc chuyên hành nghề XĐXM trên đầm Đề Gi. Tại xã Phước Thuận hiện có 12 phương tiện hành nghề XĐXM trên đầm Thị Nại.
Bên cạnh đó, tại đầm Trà Ổ (thuộc huyện Phù Mỹ, rộng trên 1.200ha, có nguồn lợi thủy sản khá dồi dào, là nguồn sống cho hơn 1.000 hộ dân của các xã ven đầm: Mỹ Thắng, Mỹ Châu, Mỹ Đức và Mỹ Lợi) cũng đang diễn ra tình trạng một số hộ dân sử dụng xung điện, lưới lồng có mắt lưới nhỏ để KTTS. Rồi ở các vùng biển gần bờ, một số người dùng cả chất nổ, thuốc độc để tận diệt NLTS. Đây thật sự là mối lo trong công tác bảo vệ NLTS trên địa bàn tỉnh.
● Để ngăn chặn tình trạng sử dụng XĐXM, chất nổ, thuốc độc để tận diệt NLTS, Chi cục đã triển khai các biện pháp như thế nào?
- Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động KTTS trên biển, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển; các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên biển tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ NLTS.
UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng và phát triển mô hình quản lý NLTS ven bờ dựa vào cộng đồng. Tổ chức thực hiện việc giao mặt nước ven bờ cho chính quyền cấp xã, phường tại các địa bàn đã thành lập mô hình đồng quản lý khai thác và bảo vệ NLTS theo hình thức cộng đồng và chính quyền cùng quản lý. Nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện và chất độc để KTTS, cấm sử dụng tàu cá hành nghề lưới kéo (giã cào) hoạt động khai thác ven bờ, vùng lộng trên vùng biển Bình Định.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Chi cục đã phối hợp với Đội Phòng chống XĐXM huyện Tuy Phước, Cảnh sát đường thủy, chính quyền các địa phương tổ chức 48 chuyến tuần tra, kiểm soát trên đầm, biển. Qua đó đã kiểm tra 156 phương tiện, phát hiện 49 trường hợp vi phạm, ngành chức năng đã xử phạt với số tiền gần 35 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuần tra trên các khu vực đầm phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sử dụng XĐXM để KTTS, tịch thu 2 gọng xiếc, 16 bộ kích điện, 6 tấm lưới, 22 bình ắc-quy, 1 xuồng chèo...
Tuy nhiên, công tác phòng chống XĐXM và các “nghề cấm” ở các địa phương ven đầm, biển trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tại một số nơi, chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp tích cực với cơ quan chức năng trong việc tổ chức tuần tra, ngăn chặn XĐXM nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra của Chi cục còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ công tác tuần tra, truy quét trên phạm vi toàn tỉnh. Mặt khác, lực lượng thanh tra của Chi cục hiện không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Do vậy, các vụ việc vi phạm đều phải chuyển cho các cơ quan liên quan hoặc tham mưu đề xuất với thanh tra của Sở NN-PTNT xử lý, nên rất khó khăn trong quá trình thanh tra, kiểm tra…
● Hiện nay, tại một số địa phương đã và đang xuất hiện tình trạng người dân sử dụng lưới lồng có kích thước nhỏ để KTTS. Chi cục sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
- Việc sử dụng lưới lồng (hay còn gọi là lờ dây, lờ bát quái) mắt lưới nhỏ để KTTS theo kiểu tận thu mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta vài năm trở lại đây. Loại phương tiện đánh bắt này có xuất xứ từ Trung Quốc với mắt lưới khá nhỏ, khi sử dụng làm cho NLTS trên các đầm, phá, sông, lạch bị cạn kiệt. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cấm sử dụng phương tiện này nên rất khó cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm.
Để sớm chấn chỉnh tình trạng sử dụng lưới lồng KTTS, Chi cục đã giao trách nhiệm cho Phòng Thanh tra của Chi cục tổ chức kiểm tra, khảo sát tình trạng sử dụng lưới lồng, đề xuất lãnh đạo Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp xử lý. Đến ngày 15.8 tới, Thanh tra Chi cục sẽ có báo cáo chính thức về tình trạng sử dụng lưới lồng trong KTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng phương tiện lưới lồng để KTTS; đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ NLTS, thành lập các mô hình đồng quản lý NLTS tại các địa phương ven biển…
● Xin cảm ơn ông!