Đây là diễn đàn trao đổi về những tiến triển trong quan hệ thương mại thủy sản giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hơn hai thập kỷ vừa qua, đồng thời đây cũng là một cơ hội để Việt Nam đưa ra và nhắc lại những kiến nghị đối với đối tác,bạn hàng lâu năm về những vướng mắc và tồn tại trong giao thương thủy sản giữa hai nước.
Nhật Bản cùng với EU và Mỹ đang là 3 thị trường NK thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2012 tổng giá trị thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật chiếm 17,9% trong hơn 6,13 tỷ USD XK thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, những biến động trên thị trường tiêu thụ thủy sản Nhật Bản đều ảnh hưởng lớn xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
So với một số thị trường lớn châu Âu, Nhật Bản giữ được tiến độ nhập khẩu thủy sản Việt Nam khả quan hơn. Nhưng trong vài năm gần đây Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng nặng của suy thoái kinh tế . Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại hơn là rào cản kỹ thuật ngày càng cao dưới dạng tăng cường kiểm soát dư lượng kháng sinh và hóa chất đối với thủy sản nhập khẩu. Những quy định về giới hạn dư lượng khắt khe của nước này đã thực sự ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu tôm và một số mặt hàng thủy sản khác sang Nhật Bản. Khó khăn mới phát sinh gần đây là chính sách phá giá đồng yên đã khiến các nhà NK thủy sản Nhật Bản không tích cực nhập khẩu trước các mùa tiêu thụ như thông lệ.
Tuy nhiên vấn đề thu hút sự chú ý nhất trong buổi tọa đàm vẫn là quy định về dư lượng kháng sinh và hóa chất. Đại diện VASEP đã một lần nữa đề nghị phía Nhật Bản xem xét lại những quy định quá khắt khe về mức giới hạn kiểm soát dư lượng đối với Chloramphenicol, Trifluralin và Ethoxyquine…..
Bài giới thiệu về xu hướng thị trường thủy sản và tình hình tiêu thụ thực phẩm đông lạnh của Nhật Bản của ông Seichi Saruishi, Tổng biên tập Tạp chí Suisantimes của Nhật Bản đã mang lại sự ngạc nhiên thú vị cho các đại biểu. Ông nhận xét “Qua quan sát các gian hàng tại hội chợ, tôi thấy hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều sản xuất những mặt hàng rất giống nhau, không có tính riêng biệt, đặc trưng. Đây mới chỉ là cách cố gắng tận dụng nguyên liệu mà chưa thật sự chế biến giá trị gia tăng với hàm lượng kỹ thuật cao. Vì các bạn đang sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Như vậy không tạo ra sự cạnh tranh thực chất. Các doanh nghiệp phải sản xuất ra mặt hàng có những khác biệt lớn mới có thể tạo ra sự riêng biệt và có thể chiếm lĩnh thị trường”.
Tuy nhiên, Seichi Saruishi cho biết thêm, trong những năm gần đây các công ty chế biến thực phẩm đông lạnh của Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc và Thái Lan đã gặp phải trở ngại lớn do chi phí nguyên vật liệu và nhân công ngày càng cao. Vì vậy, họ đang quan tâm nhắm tới Việt Nam, Inđônêxia và Myanma, trong đó Việt Nam là nước sớm đạt được thành tích cao trong lĩnh vực thực phẩm thủy sản và nhìn chung có thể đáp ứng được nhu cầu của phía Nhật Bản, nếu phát huy hết thực lực của mình. Hy vọng đây chính là thời điểm bứt phá của Việt Nam trước Inđônêxia và Myanma.
Cũng trong buổi tọa đàm, Hiệp hội kiểm tra hàng thực phẩm đông lạnh Nhật Bản cũng đã trình bày về các quy định vệ sinh và thủ tục NK hàng thủy sản của Nhật Bản. Kế hoạch hướng dẫn và giám sát thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản trong năm tài chính 2013; Hướng dẫn chung về vệ sinh và xử phạt đối với thủy sản nhập khẩu và thực phẩm chế biến, ... đã được giới thiệu cụ thể trong tài liệu phát tại buổi tọa đàm, rất hữu ích đối với các nhà sản xuất và chế biến thực phẩm, thủy sản để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.