Cả xã không sót hộ nào
Kiên Giang có diện tích nuôi tôm nước lợ theo hình thức quảng canh (tôm - lúa) khá lớn, với trên 80.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Lịch thả tôm nuôi chính vụ năm 2013 mới bắt đầu được hơn 1 tháng nhưng đã có hàng chục ngàn ha tôm nuôi của người dân nơi đây bị thiệt hại.
Huyện An Minh thả nuôi hơn 37.000 ha, đến nay đã có 10.493 ha bị thiệt hại, trong đó có 4.415 ha bị thiệt hại từ 50% trở lên. An Biên có 3.144/9.817 ha bị thiệt hại, tập trung ở các xã Nam Thái, Nam Thái A, Nam Yên và Đông Thái. Ông Sáu Bơi (Trần Văn Bơi) ở ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A, thả nuôi 1,3 ha tôm quảng canh, khi tôm được khoảng 45 ngày thì gặp nắng hạn kéo dài, vuông nổi rong nhiều và tôm bắt đầu có dấu hiệu bị chết.
Trời nắng nóng làm rong nềm phát triển mạnh, vuông nuôi bị thiếu oxy khiến tôm chết hàng loạt
Ông Sáu Bơi nhìn ra vuông tôm, giọng buồn rầu: “Năm nay không biết tôm bị bệnh gì mà triệu chứng chết lạ lắm. Tôm không nổi đầu bơi mà ẩn mình dưới đáy rồi chết chìm mất xác luôn. Những con còn sót lại đặt lú cũng không chạy, phải lội xuống mương mò mới bắt được”.
Nhiều hộ nuôi trong ấp cũng gặp cảnh tương tự như nhà ông Sáu Bơi, đành phải xả bỏ nước đầu tư nuôi lại bầy tôm khác. Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái A Huỳnh Văn Thanh cho biết, toàn xã có 1.895 hộ dân, thả nuôi được 2.771 ha tôm quảng canh thì đến nay hầu như không nhà nào thoát khỏi dịch bệnh, với 80% diện tích thả nuôi của xã bị thiệt hại.
Nguyên nhân tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt là do tình hình nắng nóng gay gắt, nước triều thấp, chất lượng nước cấp không tốt đã làm cho nhiều diện tích thả nuôi bị thiệt hại. Hơn nữa, ý thức người dân chưa cao, không tuân thủ lịch thời vụ, thả giống trước thời gian khuyến cáo cả tháng nên khi gặp thời tiết bất lợi làm tôm bị chết.
Đi dọc theo các xã ven biển của huyện An Minh, đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán về chuyện tôm chết, thiệt hại tiền tỷ. Xã Đông Hòa có 2.227/6.491 ha thả nuôi bị thiệt hại, đến nay người dân đã khắc phục thả nuôi lại được 1.048 ha. Đông Hưng thiệt hại 2.200/4.450 ha, Đông Hưng A gần như cả xã bị thiệt hại với 1.806/2.085 ha thả nuôi, đến nay người dân đã khắc phục được trên 50% diện tích.
Ông Chín Tặng (Trần Văn Tặng), ở xã Đông Hòa, uể oải chống chiếc xuồng đi vớt xác tôm chết buồn rầu nói: “Cả khu vực này chẳng hộ nào còn, có hộ đã thả lại lần 2, lần 3 nhưng tôm cứ bằng chiếc đũa là lăn ra chết, đỏ cả ruộng. Tôm nhà tui thả được gần 50 ngày, đã đạt hàng 4, hàng 5 (40, 50 con/kg), mấy bữa trước phát hiện có một vài con chết nhưng thấy còn nhỏ nên không bắt. Ai ngờ vài ngày sau tôm chết thúi cả nước, phải xả bỏ để cải tạo lại. Bao nhiêu vốn liếng dốc hết vào đây rồi, giờ không biết lấy gì mà thả tiếp”.
Nỗ lực khắc phục
Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết, trong hơn 10.000 ha tôm nuôi của huyện bị thiệt hại thì có khoảng 50% diện tích bị thiệt hại nặng từ 50% trở lên. Còn đối với những hộ bị thiệt hại nhẹ hơn, tuy năng suất giảm nhưng nông dân vẫn có thu hoạch, bù vào phần chi phí đầu tư và con giống.
Tôm nuôi khoảng 40-45 ngày bị sốc môi trường chết hàng loạt
Nguyên nhân tôm chết được xác định là do sự biến động quá lớn về về nhiệt độ giữa ngày và đêm, ban ngày trời nắng nóng gay gắt nhưng về khuya lại lạnh, kèm theo nhưng cơn mưa trái mùa đã gây sốc cho tôm. Hơn nữa, khi trời nắng nóng kéo dài nước bốc hơi rất nhanh làm cho mực nước trên vuông nuôi xuống thấp nhưng người dân lại không chủ động được ao lắng nên không thể cấp bù nước vào kịp thời. Từ đó, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm nuôi. Vì không có ao để xử lý nên những diện tích bị thiệt hại đều xả nước trực tiếp ra kênh, rạch làm lây lan dịch bệnh cho các khu vực xung quanh.
Theo khuyến cáo, người dân nên chừa một phần diện tích của vuông nuôi (khoảng 10-15% diện tích) để làm ao lắng, xử lý nước kỹ trước khi cấp vào ruộng. Đáng tiếc phần lớn nông dân hiện nay đều bỏ qua khâu quan trọng này. Do đó, khi gặp trời nắng nóng, cần phải cấp bù nước đều bơm trực tiếp từ kênh rạch vào. Trong khi hệ thống thủy lợi hiện nay vẫn chưa có mương cấp và mương thoát riêng biệt nên chỉ cần một hộ bị dịch bệnh thải ra sẽ làm lây nhiễm cho cả khu vực.
Hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương đang tăng cường các biện pháp kỹ thuật để giúp dân phòng chống dịch, bệnh trên tôm nuôi. Khuyến cáo bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng và gia cố đê bao để đảm bảo giữ mực nước trên mặt ruộng đạt từ 50 cm trở lên. Trường hợp cần cấp thêm nước vào vuông thì phải lắng lọc kỹ, diệt hết các mầm bệnh rồi mới từ từ cấp vào vuông nuôi tránh gây sốc cho tôm.
Nếu gặp mưa trái mùa thì cần nhanh chóng xử lý nước bằng vôi (Dolomite, Super Canxi…) và xả bớt nước mặt nhằm giảm axít, phèn. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường như kéo dàn, chết rải rác dọc bờ vuông cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT An Biên thì các giải pháp khắc phục hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Vì người dân chưa thực hiện tốt các khâu trong quy trình nuôi, đặc biệt là khâu thiết kế đồng ruộng.