Một điều đáng lưu ý nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do hội chứng ngộ độc bắt nguồn từ hóa chất nông dược.
Tùy tiện sử dụng chất xử lý ao nuôi
Tại hội nghị tổng kết vụ nuôi tôm 2011 diễn ra tại Sóc Trăng, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế bước đầu ghi nhận nguyên nhân tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL vừa qua là do hội chứng ngộ độc. Thiệt hại phần lớn do hộ nuôi sử dụng sản phẩm diệt tạp có thành phần hóa chất nông dược là cypermethrin, dipterex. Có hộ sử dụng trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như Padan, Dexit, Visher… khi chuẩn bị ao nuôi. Kết luận này khiến người nuôi tôm và ngành chức năng giật mình vì lâu nay người dân vẫn lơ là với nguy hại của hóa chất nông nghiệp.
TS. Nguyễn Văn Hảo, viện trưởng Viện nghiên cứu thủy sản 2 lưu ý, qua các lần thu mẫu xét nghiệm ao nuôi có tôm bị chết cho thấy nguồn nước và đất đều có hàm lượng cypermethrin khá cao. Phó cục trưởng Cục BVTV, TS. Nguyễn Hữu Huân cảnh báo, cypermethrin là chất rất độc, chỉ cần ở nồng độ 0,05 ppm (phần tỷ) cũng đủ có để tôm chết khoảng 50%, trong khi người nuôi tôm sử dụng nồng độ đến 2 ppm (phần triệu)!
Giải pháp nào?
Hiện nay, người nuôi tôm đang rối trước rừng thuốc thú y thủy sản nên rất khó chọn lựa nếu không có khuyến cáo từ ngành chức năng. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, chủ tịch Hiệp hội tôm sạch Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, tôm chết hàng loạt vừa qua có một phần nguyên nhân từ thuốc thú y thủy sản kém chất lượng. Chỉ riêng sản phẩm diệt giáp xác có tới hàng ngàn loại, khiến người nuôi rối rắm. Đó là chưa kể trong thuốc thú y một số loại có chứa thành phần nông dược, nên nông dân không ngần ngại sử dụng luôn thuốc BVTV cho ao nuôi vì rẻ tiền. Theo ông Nhiệm, qua thiệt hại cần thấy bài học, rút ra nhiều vấn đề cần giải quyết từ chất lượng giống, quy trình nuôi, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, mùa vụ...
ThS. Võ Văn Bé, phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Sóc Trăng lưu ý, để giảm độc tố, kim loại nặng tồn lưu trong đất do quá trình sử dụng thuốc, hóa chất của vụ nuôi trước, bà con nông dân cần phơi nền đất sau cày xới đáy ao rồi bón vôi, cho nước ra vô nhiều lần nhằm hoạt hóa nền đáy là rất cần thiết. Ngoài ra không nên lấy nước trực tiếp từ kênh vào ao nuôi để xử lý mà nên lấy vào ao lắng, xử lý xong mới cấp qua ao nuôi. Điều này tránh tình trạng kim loại nặng, hóa chất độc hại tích tụ dưới đáy ao nuôi lâu ngày.
Để giảm thiệt hại cho vụ nuôi mới, TS. Nguyễn Văn Hảo đề xuất áp dụng giải pháp “3 không, 3 có”. “3 không” là không sử dụng thuốc diệt tảo, ốc, rong, cá tạp bằng những hóa chất có nguồn gốc thuốc trừ sâu. Thứ hai là không xả nước thải, bùn lắng ra môi trường khi chưa được xử lý. Thứ ba là không nuôi thả con giống khi chưa được kiểm nghiệm chất lượng. Còn “3 có”, một là phải có ao lắng khi nuôi tôm thâm canh, khu vực ao lắng có xử lý nguồn nước cấp. Thứ hai là có quy chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt. Thứ ba là người nuôi nên tham gia vào các câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ sản xuất, hạn chế làm ăn riêng lẻ. Theo TS. Hảo, lịch thời vụ nuôi ở ĐBSCL có thể tôm chân trắng thả sớm hơn tôm sú, do tôm thẻ chân trắng không bị ảnh hưởng của mùa vụ nhưng vẫn bị đốm trắng. Riêng tôm sú, nuôi một vụ là tốt nhất, còn tôm thẻ chân trắng cũng chỉ nên nuôi 2 vụ.