Thiệt hại nặng nề
Gia đình ông Phan Trai (thôn An Gia, thị trấn Sịa) có 7 hồ nuôi tôm với tổng diện tích 5.000m2. Từ cuối tháng 2.2016, ông Trai thả nuôi 10 vạn con tôm sú và 2.500 con cua giống tại những hồ nuôi này. Sau khi thả nuôi khoảng 1,5 tháng, tôm và cua tại các hồ nuôi bắt đầu chết vì dịch bệnh. Đến nay, các loại thủy sản này tại 6/7 hồ nuôi của ông Trai đã bị chết sạch.
“Chỉ tính riêng chi phí giống, thức ăn, tiền công, gia đình tôi đã thiệt hại khoảng 120 triệu đồng do tôm, cua chết” - ông Trai buồn bã nói.
Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Trai là hàng loạt hộ dân khác ở thôn An Gia và thị trấn Sịa.
Ông Trần Thế Sơn - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND thị trấn Sịa cho biết, từ trước đến nay chưa có năm nào dịch bệnh trên các diện tích nuôi tôm xen ghép ở địa phương lại xảy ra trên diện rộng như năm nay. Đến thời điểm hiện tại, đã có 70/100 hồ nuôi của người dân nơi đây bị thiệt hại do dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, vào thời điểm này mọi năm, dịch bệnh trên tôm, cua tại đây có xảy ra nhưng chỉ rải rác ở vài hồ nuôi.
Tương tự thị trấn Sịa, người nuôi tôm xen ghép tại nhiều địa phương khác ở huyện Quảng Điền cũng điêu đứng vì tôm, cua chết hàng loạt do dịch bệnh.
Theo thống kê, đến nay, trong tổng số 500ha hồ nuôi tôm xen ghép ở Quảng Điền đã có 80% diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất ngoài thị trấn Sịa còn có các xã Quảng Công và Quảng An. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều diện tích nuôi tôm sú xen ghép và nuôi tôm chân trắng ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền.
Nuôi tự phát, giấu dịch
Theo ông Nguyễn Đình Châu - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ngoài yếu tố thời tiết, việc dịch bệnh bùng phát trên các diện tích nuôi tôm xen ghép ở địa phương là do hậu quả của việc nuôi trồng tự phát. Như tại vùng nuôi thôn An Gia của thị trấn, các hồ nuôi chưa có hệ thống xử lý nước thải cũng như nước đầu vào. Tại đây, nước thải từ các hồ nuôi và nước cấp cho các hồ đều đi qua đường thủy đạo tự nhiên. Với tình trạng này, khi một hồ nuôi bị dịch bệnh không được xử lý đảm bảo thì mầm bệnh sẽ lây lan rất nhanh ra cả vùng nuôi.
Tôm nuôi chết hàng loạt tại huyện Quảng Điền. Ảnh: A.S
Ông Hoàng Vọng - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Quảng Điền cho biết thêm, dịch bệnh lây lan mạnh trên các diện tích nuôi tôm xen ghép ở huyện ngoài do hạ tầng các vùng nuôi không đảm bảo còn do người nuôi giấu dịch.
Cụ thể, theo ông Vọng, vì nuôi xen ghép nên khi xảy ra dịch bệnh trên tôm, người dân không thông báo cho lực lượng chức năng vì sợ ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi khác trong hồ. Chủ các hồ nuôi bị dịch bệnh thường lén lút xả nước thải ra môi trường khiến mầm bệnh phát tán.
Tại huyện Phong Điền, hiện vẫn còn nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng không có hệ thống xử lý nước thải và nước cấp cho hồ nuôi. Nhiều người nuôi tôm nơi đây thường bơm trực tiếp nước biển vào hồ, nước thải thì xả trực tiếp ra biển khi chưa qua xử lý, khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Ông Nguyễn Đăng Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, mặc dù chính quyền đã yêu cầu người nuôi tôm tuân thủ quy trình sản xuất an toàn nhưng nhiều hộ không chấp hành.
Để xử lý môi trường hồ nuôi tại các vùng nuôi tôm bị dịch bệnh, vừa qua đơn vị đã cấp 15 tấn cloramin cho các địa phương. Theo ông Hưng, các hộ nuôi tôm ở các vùng dịch bệnh khi đưa nguồn nước cấp vào hồ nuôi cần phải lắng lọc, kiểm tra kỹ để không mang mầm bệnh vào hồ nuôi của mình.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế
Tập trung nguồn lực phòng, chống dịch bệnh ở thủy sản
Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường năng lực công tác thú y thủy sản. Trong đó chú trọng tổ chức rà soát, chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nhằm bảo đảm cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước) phục vụ nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu nhiễm chéo các loại mầm bệnh giữa các ao nuôi, vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh và quảng canh cải tiến.
Lãnh đạo các tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, bố trí nhân viên cấp huyện, cấp xã được hỗ trợ kinh phí để triển khai có hiệu quả công tác thú y thủy sản; xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện đề án, dự án tăng cường năng lực thú y thủy sản các cấp tại địa phương.
Bên cạnh đó khẩn trương phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; chủ động giám sát cảnh báo dịch bệnh; quản lý thuốc thú y theo đúng các quy định hiện hành; đặc biệt tập trung nguồn lực để phòng, chống các loại dịch bệnh quan trọng ở thủy sản, dịch bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản.
Các địa phương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật...
Nhật Anh