Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 việc khai thác biển, nhập khẩu bổ sung tôm nguyên liệu rất khó khăn. Bên cạnh đó do xuất khẩu bị hạn chế, giá tôm giảm cộng thêm tình hình hạn, mặn, nắng nóng kéo dài nên người nuôi tôm chậm thả nuôi vụ mới; nguồn tôm giống đạt chất lượng cũng hạn chế khiến năng suất nuôi chưa cao.
Với những khó khăn đó, theo dự báo của Vasep trong nửa cuối năm nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ rất hạn chế chỉ đáp ứng được tối đa từ 50-70% nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Còn theo báo cáo của Cục Thú y-Bộ NN&PTNT, tình hình dịch bệnh trên tôm cũng đang ở mức đáng lo ngại, trong 4 tháng đầu năm đã có 25.252ha nuôi tôm tại 19 tỉnh, thành bị thiệt hại, tăng 3,86 lần so với cùng kỳ. Trong đó có đến hơn 23.000ha thiệt hại không rỏ nguyên nhân, 1.579ha thiệt hại do bệnh, 638ha bị thiệt hại do biết động thời tiết.
Theo Tổng cục Thủy sản: diện tích thả nuôi tôm đến thời điểm hiện tại đạt hơn 481.000ha bằng 71% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, theo ngành chức năng thì việc thả giống chậm lại của người nuôi trong những tháng đầu năm là hợp lý để hạn chế thấp nhất rủi ro, nhưng điều này sẽ gây thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy trong khoảng 1 - 2 tháng tới.
Qua cân đối cung cầu thị trường tôm nguyên liệu theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta: cho dù dịch bệnh COVID-19 trên thế giới có kéo dài hơn dự kiến thì giá tôm vẫn khá ổn, nếu có giảm cũng sẽ không nhiều, nhưng xu hướng tăng vẫn được đánh giá là nhiều khả năng hơn, bởi vì trong điều kiện khó khăn như hiện nay nguồn cung tôm xuất khẩu sẽ rất hạn chế, giá tăng là hợp lý.
Năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu thả nuôi 730.000ha tôm, sản lượng dự kiến đạt 830.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2-3% so với năm 2019.