Kiệt quệ vì tôm
Dịch bệnh trên tôm nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch đang bùng phát, nhiều người nuôi trắng tay vì tôm chết hàng loạt. Ông Lê Thanh Sang ở xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), cho biết: “Tôi đầu tư thả nuôi trên diện tích hơn 4.000m2 tại khu vực nuôi thuộc thôn Vũng Tàu, xã Hòa Hiệp Nam, với khoảng 300.000 con giống tôm thẻ chân trắng. Tôm thả nuôi khoảng một tháng nhưng vẫn không phát triển và có triệu chứng bị bệnh và chết lai rai, đến hơn 40 ngày nuôi tôm bắt đầu chết nhiều nên gia đình phải kéo bán. Vì tôm nuôi chậm lớn và bị chết với số lượng nhiều nên thu hoạch chỉ được gần 200 kg, bán với giá 20.000 đồng/kg. Số tiền bán tôm này không bằng 1/6 tiền mua con giống, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình bị lỗ vốn hơn 80 triệu đồng. Trước khi thả nuôi tôm, vì gia đình không vay được từ ngân hàng nên phải vay thêm ở bên ngoài 30 triệu đồng nhưng với lãi suất rất cao gần 10%/tháng, cộng với tiền mua nợ thức ăn cho tôm nên hiện nay gia đình còn nợ hơn 40 triệu đồng, chưa tính “lãi mẹ đẻ lãi con” vì chưa có tiền trả nợ. Bây giờ gia đình muốn đầu tư nuôi lại nhưng không còn vốn…”.
May mắn hơn gia đình ông Lê Thanh Sang, ông Nguyễn Văn Bút thả nuôi với diện tích hơn 4.000m2, ở vùng nuôi xã Hòa Tâm (Đông Hòa), thời gian nuôi hơn 50 ngày và bị lỗ hơn 20 triệu đồng. Ông Bút cho biết: “Gia đình tôi đã chi phí khoảng 150 triệu đồng, mặc dù chưa đủ thời gian để thu hoạch nhưng nhờ tôm phát triển tốt, khi phát hiện tôm bắt đầu chết thì kéo bán kịp thời nên chỉ lỗ khoảng 20 triệu đồng”. Còn ông Trần Văn Ngọc ở thôn Phước Long, xã Hòa Tâm thả nuôi với diện tích hơn 7 ha, tôm nuôi khoảng 20 ngày tuổi thì bị mất trắng do bão, lũ hồi cuối tháng 3/2012 (bão số 1). Sau bão số 1, ông Ngọc cải tạo hồ nuôi và thả nuôi lại nhưng đến nay tôm tiếp tục bị chết do dịch bệnh. Theo ông Trần Văn Ngọc, riêng đợt bão số 1 đã làm nứt bờ, tôm nuôi cuốn trôi theo dòng nước lũ và thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Đến đợt dịch bệnh tôm này tiếp tục thua lỗ hơn 100 triệu đồng nữa…
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, tính đến ngày 2/5, ở vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch đã thả nuôi với diện tích hơn 525 ha tôm thẻ chân trắng, nhưng đã có hơn 445 ha diện tích tôm nuôi bị bệnh, trong đó có nhiều diện tích bị mất trắng. Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ thường xuyên xuống cơ sở để nắm tình hình, phối hợp với Trạm Thú y huyện để tìm ra nguyên nhân gây bệnh tôm và tổ chức khoanh vùng, dập dịch. Nhưng vì diện tích tôm nuôi bị bệnh quá lớn, trên nhiều cánh đồng nuôi nên không thể khống chế được và hiện nay tình trạng tôm chết vẫn còn xảy ra.
Vẫn không tìm được nguyên nhân
Theo nhiều người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch, tình trạng tôm chết năm nay khác lạ so với các năm trước đây. Khi tôm bị bệnh thường thì nổi lên mặt nước và đâm đầu vào bờ nhưng cũng chỉ chết với số lượng ít, xảy ra thời gian dài chứ không phải như hiện nay tôm nổi đầu rồi chết hàng loạt, trở tay không kịp.
Hiện nay, điều làm người nuôi tôm ở đây lo lắng nhất là chưa biết nguyên nhân vì sao tôm chết hàng loạt. Ông Đinh Văn Thu, cán bộ phụ trách khuyến nông - khuyến ngư xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Nguyên nhân tôm chết hàng loạt thời gian qua có khả năng là do thời tiết nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường vùng nuôi và mật độ thả nuôi quá dày. Ngoài ra, do môi trường vùng nuôi đã xảy ra dịch bệnh nhưng chưa khống chế kịp thời nên dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh. Đó là suy đoán, còn nguyên nhân chính gây bệnh trên tôm nuôi hiện nay vẫn chưa xác định được. Triệu chứng khi tôm chết thường có một chấm trắng đục, tròn và lớn ở giữa thân tôm; từ khi xuất phát bệnh đến khi chết rất nhanh và chết đồng loạt chỉ trong vòng một đến hai ngày; tôm bị chết đa số từ 20 – 45 ngày tuổi. Các cơ quan chuyên môn ở huyện xác định tôm chết là do bị bệnh hoại tử gan tụy và nghi bị bệnh đục thân…”.
Ông Nguyễn Đình Hữu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: “Phòng NN&PTNT đã phối hợp với Trạm Thú y tổ chức dùng hóa chất xử lý tất cả ao hồ nuôi tôm bị dịch bệnh vừa qua để diệt mầm bệnh. Đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh và chết hàng loạt trên tôm nuôi ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch. Huyện Đông Hòa đang kiến nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh mời các chuyên gia đầu ngành về địa phương tìm hiểu, đồng thời tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân. Địa phương cũng kiến nghị Sở NN&PTNT nắm lại tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch để có căn cứ tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch…”.
>> Ngày 22/4, Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa lấy hai mẫu bệnh phẩm tôm nuôi tại xã Hòa Hiệp Nam đưa đi xét nghiệm tìm virus gây bệnh đục cơ. Đến ngày 27/4, Cơ quan Thú y vùng IV (có trụ sở tại Đà Nẵng) đã trả lời kết quả xét nghiệm là không phát hiện virus gây bệnh đục cơ trong các mẫu xét nghiệm nêu trên.