Kiến nghị đưa con tôm là sản phẩm quốc gia
Ngành tôm Việt Nam phát triển trên 30 năm nay, những năm gần đây giá trị kinh tế của con tôm đem lại rất cao. Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT, hiện nay có 28 tỉnh nuôi tôm nước lợ với diện tích trên 680.000ha, tổng sản lượng gần 600.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 triệu USD. Trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL. TS Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ NTTS - Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho rằng con tôm Việt Nam (chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng) đứng trước cơ hội và thách thức lớn trước biến đổi khí hậu, môi trường nuôi và cạnh tranh của thị trường bên ngoài. Chính vì vậy dù đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng giá trị chưa tương xứng với tiềm năng.
TS Cherdsak Virapat - Tổng Giám đốc NACA đem đến hội thảo bằng những so sánh các nước trong khu vực và Châu Mỹ về hiện tượng tôm chết, dịch bệnh trên tôm nuôi, đồng thời cảnh báo tình trạng hội chứng tôm chậm lớn vẫn tiếp tục diễn ra. Khả năng giảm sản lượng tôm nuôi trên toàn cầu trong năm 2016 là điều khó tránh khỏi.
Phát biểu đề dẫn và nêu lên thực trạng ngành tôm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng khả năng các tỉnh ĐBSCL nâng cao năng suất tôm nuôi tại các mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái, tôm rừng là rất lớn. Theo Thứ trưởng Tám, hiện tại năng suất của các mô hình này còn thấp, nếu áp dụng khoa học kỹ thuật, và tăng cường kiểm soát ao nuôi thì khả năng nâng lên 1,2 tấn/ha là điều rất dễ dàng.
Thứ trưởng Tám cũng thông tin, Bộ NNPTNT đã chính thức kiến nghị với Chính phủ công nhận tôm là sản phẩm quốc gia bên cạnh các sản phẩm khác. Nếu được Chính phủ đồng ý, tôm Việt Nam sẽ được đầu tư mạnh hơn.
Kêu gọi cứu ngành tôm
Ông Jose Villalon - Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn Nutreco cho rằng hơn ba thập kỷ qua, ngành công nghiệp đã phát triển để trở thành một ngành quan trọng trong việc giải quyết việc làm và tăng nhu nhập cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những tác động tích cực, ngành này cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề cần được giải quyết nếu muốn tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai. Đó là, bùng nổ dịch bệnh, ô nhiễm, phá hủy môi trường sống và sự phụ thuộc vào đánh bắt thủy sản hoang dã - nguồn cung cấp protein.
Là người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đưa ra 8 khâu mà theo ông ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với bất ổn, giá thành cao và tính cạnh tranh kém. Đó là quy hoạch vùng nuôi rất kém, rất yếu và có thể nói là chưa có quy hoạch các vùng nuôi mà chỉ mang tính tự phát của các hộ nuôi tôm. Chưa quy hoạch vùng nuôi lớn (chưa có cánh đồng mẫu lớn cho tôm), hệ thống thủy lợi vừa yếu vừa thiếu đồng bộ. Đối với con giống, ông Quang nêu thực trạng Việt Nam chưa có một nơi, hay một trung tâm nghiên cứu, gia hóa, chọn giống tôm bố mẹ và cũng chưa có nơi sản xuất tôm giống bố mẹ có đặc tính sinh học tốt, vượt trội.
Về thức ăn, ông Quang bức xúc “thức ăn tôm Việt Nam gần như toàn bộ do các Cty nước ngoài sản xuất, nên họ độc quyền, họ thao túng, họ làm giá nên làm tăng chi phí cho người nuôi”. Về quy trình nuôi và công nghệ nuôi chưa có viện, trường nào chuyên nghiên cứu quy trình nuôi nên dù có đưa ra tiêu chuẩn VietGAP cũng chẳng có nước nào công nhận. Ngoài ra ông Quang cũng phân tích hàng loạt các yếu tố khác như: Dịch vụ cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh và thức ăn; kiểm tra giám sát quy trình nuôi, thu hoạch, muối ướp, bảo quản và vận chuyển, chế biến xuất khẩu… tất cả các khâu đều có vấn đề.
Ông khẩn thiết “tôi tha thiết mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương có vùng tôm hãy giải quyết ngay những vấn đề tồn tại để cứu lấy ngành tôm Việt Nam, cứu hàng trăm nhà máy chế biến cùng hàng triệu người lao động cũng như người nuôi tôm trên cả nước”.