Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản thủy liên tục đối mặt với khó khăn trong cả nuôi trồng và khai thác thủy sản do hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt 4 tỉnh ven biển miền Trung. Tuy nhiên, ngành thủy sản đã đứng vững trước các thách thức, duy trì được kết quả sản xuất tăng nhẹ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt trên 3,1 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,5 triệu tấn và sản lượng nuôi trồng đạt gần 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu (tính đến 15/6) đạt 2,8 tỷ USD (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Ước tính tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 85.700 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Đối với nuôi trồng: sản xuất cá tra 6 tháng đầu năm 2016 chưa có dấu hiệu phục hồi, hàng loạt các khó khăn như thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cá không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã làm cho diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm. Diện tích cá tra 6 tháng đầu năm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3,2 nghìn ha, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 525,4 nghìn tấn, xấp xỉ so với cùng kỳ. Trong đó, một số tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra có sản lượng giảm như: Vĩnh Long 38,000 tấn (-4%), Bến Tre 82,575 tấn (-12%), An Giang 121,437 tấn (-7%), Đồng Tháp 184,004 tấn (-1%).
Việc sản xuất tôm cũng khá bất lợi khi tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm 2016 diễn biến khá phức tạp, không thuận lợi cho sản xuất tôm nước lợ, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, môi trường ao nuôi bị biến động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm nuôi, gây ra nhiều loại bệnh. Sản lượng thu hoạch tôm nước lợ của 10 các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tăng. Nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động khoảng 50 – 60% công suất. Trước tình hình đó, nhiều hộ nuôi tích cực cải tạo ao đầm để thả tiếp hoặc thả bù những diện tích nuôi tôm đã bị thiệt hại. Trong hai tháng trở lại đây diện tích nuôi tôm sú có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước của cả nước đạt 607.700 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2015, bằng 87,5% kế hoạch năm. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đạt 181.000 tấn, đạt 26,6% kế hoạch năm và giảm trên 3% so với cùng kỳ.
Đối với khai thác, tính đến đầu tháng 6, các tỉnh đã phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá là 1.580 tàu, đạt 56% chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ. Kết quả đã có 152 tàu cá đóng mới và 16 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.
Mặc dù việc nuôi trồng và sản xuất thủy sản gặp khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (10.9%), Trung Quốc (49.06%), Thái Lan (9.92%) và Anh (8.83%).
Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản cần có những dự báo và giải pháp quyết liệt đối với các cấp, các ngành và địa phương để đạt được mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Ngành thủy sản đã gặp phải những khó khăn chưa từng có trong 6 tháng đầu năm nay. Vì vậy, để có thể đưa ra được những giải pháp thiết thực và chính xác cho cuối tháng 6 năm, các lĩnh vực của ngành cần phải đưa ra những dự báo, tìm ra những khó khăn, những vấn đề cần phải được hoạch định và đặt ra. Từ đó mới có được những giải pháp hữu hiệu và cần sự nỗ lực cao nhất của toàn ngành để phát triển. Tập trung chỉ đạo phát triển tôm nước lợ. Đặc biệt, thực hiện quyết liệt hơn nữa trong vấn đề trọng điểm mà Bộ NN&PTNT đề ra trong năm 2016 là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quanr4 lý chặt chẽ vấn đề sử dụng hóa chất, khánh sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm ngành phải nỗ lực cao để phát triển các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực có thế mạnh. Đối với tôm nuôi nước lợ, có thể không tăng sản lượng nhưng phải tăng về chất lượng và giá trị. Theo đó, để phát triển tôm nuôi nước lợ, Tổng cục Thủy sản sẽ phải xây dựng kế hoạch hành động về phát triển tôm nuôi nước lợ từ nay đến cuối năm; trong đó sẽ đưa ra việc tăng sản lượng tôm nuôi nước lợ bao nhiêu và tăng ở chỗ nào, phương thức nuôi nào, địa phương nào. Tổng cục Thủy sản và cục Thú y lập các tổ công tác bám giám sát tình hình thực hiện ở địa phương để có những chỉ đạo sát sao trong sản xuất. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ về giống; rà soát lại những đơn vị, các cơ cơ sở sản xuất giống nhập khẩu và công khai trên trang điện tử của Tổng cục và tăng cường kiểm tra chất lượng về sản xuất giống.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu phải tiếp tục kiểm tra chặt chất lượng các loại vật tư đầu vào, việc lạm dụng kháng sinh để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. Thứ trưởng khẳng định: Không chỉ kiểm tra, giám sát ở phần ngọn là các lô hàng xuất khẩu mà phải toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi đến chế biến.
Về khai thác thủy sản, cần đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 67, Nghị định 89 kết hợp với việc đánh giá việc triển khai một số chính sách khác trong thời gian vừa qua. Chuẩn bị tốt cho việc tổ chức hội nghị chueyenr giao ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản, đặc biệt quan tâm đến công nghệ khai thác cá ngừ bằng lưới vây đuôi. Tăng cường tham mưu các biện pháp quản lý để đáp ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế.