Hội thảo nhằm chuyển giao ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số trong nuôi tôm, đã thu hút hơn 100 người tham gia với sự góp mặt của các cán bộ nông nghiệp thủy sản, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhiều hộ nông dân nuôi tôm.
Hội thảo có sự góp mặt diễn giả, chuyên gia nổi tiếng trong ngành.
Tại buổi hội thảo, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP.HCM, ông Phạm Lâm Chính Văn cho biết, người nuôi ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè được tiếp cận với chính sách hỗ trợ nên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Do đó, chuyển đổi số cũng đã dần trở nên quen thuộc và cho thấy lợi ích thực tế, góp phần tăng năng suất nuôi tôm ở TPHCM bình quân từ 5 tấn/ha tăng lên bình quân 20 tấn/ha/vụ.
Điểm trực tiếp hội thảo tại Trung tâm Khuyến nông TP.HCM
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nuôi tôm vẫn còn gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do mô hình mới nên dẫn đến người nuôi có tâm lý phân vân, nghi ngờ. Về vấn đề này, tiến sĩ Đinh Thế Nhân, Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản đại học Nông Lâm TP.HCM đã phân tích những yếu tố then chốt của nuôi tôm công nghệ cao, trong đó hiệu quả quản lý rủi ro là điểm khác biệt so với các phương thức nuôi truyền thống.
Chuyển đổi số trong nuôi tôm có thể hiểu là ứng dụng công nghệ thông qua các thiết bị hiện đại để tăng độ chính xác trong giám sát môi trường và quản lý dịch bệnh. Giúp hệ thống hóa số liệu, góp phần giảm công lao động, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó mà nuôi thủy sản trở nên dễ dàng, giảm giá thành sản xuất và hỗ trợ người nuôi có được đầu ra chất lượng hơn.
Hội thảo giải đáp thắc mắc liên quan đến ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm.
Hội thảo nhận được nhiều câu hỏi từ người tham dự, đa số quan tâm đến các chương trình hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông để chuyển đổi mô hình canh tác sang nuôi tôm công nghệ cao, cũng như bày tỏ lo lắng về việc người nuôi rất khó tiếp cận công nghệ và chi phí đầu tư cao.
Giải quyết nỗi lo này, phía công ty Tép Bạc khẳng định chuyển đổi số trong thủy sản không tốn kém và khó dùng như nhiều người e ngại, hiện tại công ty đang triển khai giải pháp nuôi tôm công nghệ cao và tự động hóa với giá phù hợp, dễ sử dụng, đã được nhiều người nuôi tôm tin tưởng.
Hội thảo nhận được nhiều câu hỏi từ người tham dự.
Tại hội thảo, Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM phát biểu, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay thì các buổi Hội thảo trực tuyến như thế này đã tạo điều kiện để người nuôi gặp gỡ trao đổi, chia sẻ thắc mắc đến các chuyên gia. Đồng thời, giúp triển khai kịp thời việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần phát triển Chiến lược chuyển đổi số của TP.HCM, trong đó có việc ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản.
Hy vọng khi TPHCM triển khai thành công thì sẽ lan tỏa các mô hình công nghệ, cách tiếp cận mới này để giúp các tỉnh thành khác cũng nhanh chóng theo kịp định hướng chuyển đổi số của ngành thủy sản.