Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hơn 237 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong tỉnh bị thiệt hại, chiếm 9% diện tích thả nuôi toàn tỉnh. Phần lớn tôm chết chủ yếu ở giai đoạn 20 - 40 ngày tuổi do bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy cấp.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, các hộ nuôi tôm hạn chế thả giống, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường nuôi, chờ đến khi nhiệt độ ổn định mới tiến hành thả giống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường nước tại 18 điểm sông đầu nguồn các vùng nuôi trọng điểm, thu mẫu giáp xác tự nhiên, thông báo trên Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh để người dân có kế hoạch cấp nước vào ao nuôi phù hợp, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Để đảm bảo về chất lượng con giống tôm và vật tư đầu vào, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo thanh tra sở, thanh tra chuyên ngành thủy sản tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống; cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm dịch giống nhập tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, ngành phân bổ nguồn hóa chất Chlorine dự phòng cho các địa phương để hỗ trợ người nuôi xử lý môi trường. Đối với các cơ sở nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao, cần phải tuân thủ các quy định do UBND tỉnh ban hành; các hộ nuôi phải cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường. Các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra giám sát việc tuân thủ áp dụng nuôi theo quy định.
Các hộ nuôi tôm phải tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi; chọn con giống thả nuôi đạt chất lượng tốt, mua ở cơ sở uy tín, biết rõ nguồn xuất xứ nguồn gốc, có kiểm dịch giống khi xuất bán hoặc cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Đồng thời, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp cho từng đối tượng; áp dụng quy trình nuôi 2 đến 3 giai đoạn, nuôi rải vụ, áp dụng nuôi theo quy trình khép kín tiết kiệm nước để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài; sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường phải đảm bảo chất lượng và đã được cấp phép lưu hành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích các địa phương phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các đối tượng thủy sản chủ lực theo nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào các mô hình nuôi để tạo ra nguồn sản lượng lớn, chất lượng cao gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín trên thị trường.
Năm 2020, tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm 34.000 ha, tăng 5.756 ha so với cùng kì năm trước; trong đó, tôm sú 25.000 ha, tôm thẻ chân trắng 9.000 ha; tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 71.000 tấn. Năm 2021, tỉnh có kế hoạch thả nuôi tôm trên diện tích 32.500 ha, với sản lượng đạt khoảng 69.300 tấn.