Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã thực hiện mô hình trên quy mô 0,4 ha với 02 hộ tham gia (mỗi hộ 0,2ha). Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí mua con giống với tổng số 120.000 con/hộ và được tập huấn về kỹ thuật nuôi cá kèo luân canh trong ao nuôi tôm. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông thường xuyên đến tận ao nuôi để hướng dẫn hộ nuôi theo dõi, quản lý và chăm sóc mô hình.
Sau 115 ngày nuôi, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tiến hành tổng kết đánh giá mô hình. Kết quả cho thấy, cá kèo tăng trưởng và phát triển tốt trong ao nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh. Cá kèo giống được thả nuôi với mật độ ban đầu là 60 con/m2. Sau gần 4 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 22 g/con (45 con/kg). Với tỷ lệ sống ước khoảng 60% thì sản lượng cá ước đạt 1.584 kg/hộ, năng suất bình quân đạt 7,92 tấn/ha. Nếu giá bán 70.000 đồng/kg như hàng năm thì mỗi hộ thu được hơn 110 triệu đồng, trừ chi phí nuôi thì mỗi hộ lãi khoảng 33 triệu đồng/0,2 ha. Tuy nhiên, khi nuôi đến 5 tháng thì sản lượng, năng suất sẽ cao hơn và lợi nhuận thu được cũng cao hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu và người nuôi thủy sản ở địa phương đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình và nhận định cá kèo thích hợp để nuôi luân canh trong ao nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh. Theo nhận định của cán bộ và hộ nuôi thực hiện mô hình thì cá kèo dễ nuôi, kỹ thuật nuôi đơn giản hơn so với nuôi tôm nhưng lợi nhuận tương đối cao. Cá kèo hoàn toàn có thể nuôi ở mật độ cao hơn (80 – 100 con/m2) để tăng lợi nhuận cho người nuôi. Ngoài ra, cá kèo còn có lợi thế là ít bị bệnh, vì vậy nuôi cá kèo rủi ro thấp hơn nhiều so với nuôi tôm. Thành công của mô hình đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh nói chung và nuôi cá kèo luân canh với tôm sú nói riêng. Việc nuôi luân canh 2 đối tượng này sẽ góp phần giảm mầm bệnh trong ao nuôi, giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững hơn.