Mô hình có tổng qui mô 08 ha do 05 hộ thực hiện với số lượng giống thả nuôi là 160.000 con. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 70% con giống tôm càng xanh toàn đực, 70% chi phí về thức ăn. Các hộ tham gia được cán bộ Trung tâm KN hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Dự kiến sau khi kết thúc mô hình giúp cho các hộ tham gia dự án tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 20% so với ngoài dự án, cụ thể sau 7 tháng nuôi tỷ lệ sống tôm đạt ≥60%, FCR ≤1,1, cỡ tôm thu hoạch ≥40 g/con, năng suất tôm ≥480kg/ha, năng suất lúa ≥4 tấn/ha và 100% hộ tham gia mô hình nắm bắt được toàn bộ quy trình , có thể chủ động triển khai và tư vấn giúp đỡ cho những hộ khác. Mô hình thành công góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, cải thiện và bảo vệ môi trường, giảm rủi ro trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người nuôi và phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Kết quả thực tế của mô hình tại một số tỉnh như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau… trong mấy năm qua cho thấy, nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực với lúa là hình thức canh tác thông minh mang lại lợi ích kép, lợi nhuận tăng thêm từ tôm 50-150 triệu đồng/ha so với cấy lúa. Mô hình này còn hạn chế được ô nhiễm môi trường, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tôm càng dễ nuôi, ít bệnh giảm bớt rủi ro cho người nuôi, đồng thời vốn đầu tư không lớn nên thích hợp cho hầu hết các hộ nông dân có điều kiện kinh tế vừa phải. Việc triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúa trên vùng đất chuyển đổi là rất cần thiết và là một trong những giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.