Phương tiện lạc hậu, quanh quẩn ven bờ
Với chiều dài bờ biển hơn 65km, khai thác biển đã và đang trở thành lĩnh vực quan trọng ở Trà Vinh không chỉ về mặt kinh tế mà còn an ninh quốc phòng của địa phương. Tuy nhiên, với năng lực của đội tàu công suất nhỏ, lạc hậu dẫn đến hiệu quả nghề khai thác thấp, chủ yếu quanh quẩn ven bờ. Ông Nguyễn Văn Sang, Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, cho biết: “Tỉnh hiện có hơn 1.350 tàu khai thác hải sản, với tổng công suất 81.347CV, trong đó chỉ có 180 tàu có công suất máy từ 90CV trở lên, có khả năng khai thác đánh bắt xa bờ; còn lại đa số là tàu cá có công suất nhỏ hoạt động ven bờ”. Hiện tại nhiều tàu cá loại tàu gỗ đã xuống cấp, các máy thông tin liên lạc, máy định vị đã sử dụng nhiều năm, nay đã cũ kỹ. Chính sự lạc hậu về trang thiết bị và phương tiện nên phần lớn tàu đánh bắt xa bờ của Trà Vinh chỉ tập trung khai thác gần bờ.
Ông Trần Công Đức ở khóm 2, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, bộc bạch: “Từ năm 2012, ông đầu tư chiếc tàu có công suất 230CV, mua thêm lưới cụ để khai thác mùa vụ mới. Nhờ tàu mới, máy móc công suất lớn nên hiệu quả khai thác tăng hơn 1,5 lần so với trước đây”. Hơn 15 năm theo nghiệp “hạ bạc”, ngư dân Lê Văn Hiền ở ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, chia sẻ: “So với nhiều địa phương khác, nghề biển ở Trà Vinh chủ yếu là phương tiện nhỏ, muốn vươn khơi xa nhưng lực bất tòng tâm”.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, sau nhiều cuộc hội thảo và thăm dò nguyện vọng của ngư dân, hiện nay nhiều hộ mong muốn có nguồn vốn vay để đầu tư đổi mới tàu.
Hỗ trợ ngư dân bám biển
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 12-2013, đã quyết định hỗ trợ hơn 12,3 tỷ đồng giúp ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ. Chủ trương này đang thổi luồng sinh khí phấn chấn cho nhiều ngư dân hành nghề khai thác thủy hải sản ở Trà Vinh. Ông Phan Văn Cẩm ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú, bày tỏ: “Tỉnh có chính sách “trợ lực” ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ nên ngư dân mừng lắm”. Ông Phan Văn Hòa, nhiều năm trong nghề khai thác biển, nói: “Tôi có 2 tàu, mỗi chiếc công suất 270CV đi đánh bắt hiệu quả không cao. Nếu có vốn đóng tàu mới từ 350 - 400CV để vươn khơi xa, khả năng bám biển sẽ dài ngày và hiệu quả sẽ cao hơn”.
Theo ước tính, tổng kinh phí thực hiện đề án sau 3 năm (2014 - 2016), hơn 12,3 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; đồng thời ngư dân đóng góp thêm từ nguồn vay vốn ngân hàng. Các nghề khai thác xa bờ được hỗ trợ gồm: nghề lưới vây, nghề lưới rê, nghề câu, tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá và nghề lưới kéo xa bờ… Chủ tàu cá tham gia đề án được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng mới, mua mới hoặc cải hoán tàu đánh bắt xa bờ trong thời gian 3 năm. Theo đó, chính sách ưu đãi đối với đóng mới tàu là hỗ trợ 210 triệu đồng/tàu; cải hoán thay máy tàu công suất máy từ 250CV trở lên, mức hỗ trợ 105 triệu đồng/tàu; công suất máy từ 90CV đến dưới 250CV, hỗ trợ 75 triệu đồng/tàu.
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, cho biết việc triển khai thực hiện đề án hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản xa bờ là rất cần thiết, tạo tiền đề phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ ngày càng hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 400 tàu cá công suất máy từ 90CV trở lên và năm 2020 là 700 tàu. Ngoài việc góp phần phát triển kinh tế biển, còn là nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.