Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp các địa phương tiến hành sắp xếp lại các cơ sở nuôi cá lồng bè theo hướng giảm 50% mật độ lồng nuôi trồng thủy hải sản, chuyển các cơ sở nuôi trồng mới phát sinh vào khu nuôi trồng được quy hoạch.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2018, các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trong khu quy hoạch trên sông Chà Và phải cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi, sắp xếp bè nuôi ổn định, trật tự, tạo khoảng cách phù hợp giữa các bè, bảo đảm an toàn về luồng lạch và mỹ quan toàn khu vực.
Cụ thể, các bè nuôi thủy sản lấn luồng, nuôi không đúng quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè sẽ phải đưa ra khỏi khu quy hoạch. Nếu số lượng lồng nuôi vẫn còn hơn 50% thì tiếp tục cắt giảm số lượng lồng nuôi tại các bè không lấn luồng. Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi hàu tại các tiểu khu 1, 2, 6, 7, 8 trong khu quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và cũng phải cắt giảm mật độ.
Để hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn trong quá trình sắp xếp, bố trí lại vùng nuôi, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, những cơ sở dịch chuyển sớm sẽ được ưu tiên bố trí, sắp xếp tại hai địa điểm nuôi tập trung theo quy định gồm: Khu nuôi trồng thủy sản lồng bè phía bên trái luồng sông Mỏ Nhát (đoạn từ ngã ba Vàm Ông Bền đến ngã ba Cùi Mít - Sa Câu, thuộc địa phận thị xã Phú Mỹ) và khu nuôi trồng thủy sản lồng bè phía bên trái luồng sông Dinh (đoạn từ cầu Gò Găng đến cầu Cỏ May, thuộc địa phận TP Bà Rịa). Chủ cơ sở nào không thực hiện di dời, sắp xếp theo hướng dẫn thì không được cấp giấy phép và buộc phải cưỡng chế tháo dỡ.
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có có 6.500 lồng nuôi thủy sản tại ba khu vực, gồm: sông Chà Và, sông Mỏ Nhát và sông Rạch Tranh. Trong đó, hơn 2.600 lồng nuôi nằm ngoài quy hoạch và lấn chiếm luồng lạch hàng hải. Đặc biệt, mật độ lồng nuôi dày đặc tại khu vực sông Chà Và đã cản trở dòng chảy, dẫn tới việc ô nhiễm môi trường, thường xuyên gây nên tình trạng thủy sản chết bất thường. Mặt khác, hầu hết các cơ sở nuôi lồng bè đều chưa có giấy phép gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trên thực tế, tình trạng cá và các loài thủy hải sản nuôi trồng chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường đã và đang gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng trăm hộ nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn. Về phía người dân thì cho rằng nguyên nhân chính là do các nhà máy chế biển thủy hải sản trong khu vực xả thải trái phép. Tuy nhiên, qua khảo sát của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là do mật độ nuôi trồng quá cao gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, nguồn nước tại các khu vực nuôi trồng đều có hàm lượng Ni-tơ A-mô-ni vượt hàng chục lần cho phép, hàm lượng ô-xy hòa tan thấp hơn nhiều lần giá trị quy chuẩn, một số nguồn nước ở vị trí quan trắc không có ô-xy hòa tan... Do đó, việc sắp xếp và quy hoạch lại các cơ sở nuôi cá lồng bè theo hướng giảm mật độ lồng nuôi trồng là rất cấp thiết và cần sớm được triển khai.