Một
Bà tên thật Trần Thị Nụ, nhưng dân bản địa quen gọi bà Rô (Rô-bin-sơn). Bà Rô ngoại bát tuần, một mình sống trên đảo Hòn Khô được 31 năm. Rời đất liền ra đảo, ngày rằm ăn chay, còn lại uống nước, ăn con cá, con còng, quen vị biển, bà Rô không còn ăn cơm nữa. Bà Rô mê Truyện Kiều, bà ngâm bằng âm thanh du dương của sóng, bà chèo thuyền thúng dưới vằng vặc ánh trăng, ngân nga hát bội hát bài chòi sang sảng như ba đào xô vào ghềnh đá. Bà Rô sống ở đảo Hòn Khô vì sứ mạng bảo tồn rùa biển!
Từng ấy thông tin về bà Rô tôi “nhặt” được ở làng chài Nhơn Hải, quê của bà. Cái làng không ra làng, có nhà mà chẳng có đường, nhà gạch cấp bốn lem nhem, nhà mái tôn vách liếp thông thống như lều tạm, ngơm ngam, những lối mòn dẫn xuống biển lồi lõm, um tùm cỏ dại, ngư dân đi nhiều mà thành.
Tôi lưu lại Nhơn Hải một đêm, đêm chờn vờn, hương thu về trong mưa mù quánh đặc, thưa bóng người, dân làm ăn tứ chiếng, dân đi biển, làng lác đác người già và trẻ con. Ban mai tờ mờ sương, tôi theo tàu đoàn cán bộ Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội ra Hòn Khô. Đảo chênh vênh ven sườn Biển Đông. Rùa biển làm tổ sinh sôi kìn kìn trong các hốc đá. Năm ngoái, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về Nhơn Hải tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình bảo tồn rùa biển. Cũng một năm trước, Bình - cháu bà Rô trở thành tình nguyện viên của chương trình này. Bình bảo, rùa biển trên đảo được “bảo tồn” từ gần ba thập niên rồi. Ấy là thời điểm bà Rô cắm lều định cư ở đảo. Bà thấy rùa đẻ nhiều, cư dân đêm ngày vác bao tải xăm trứng, vớt rong mơ, nhổ san hô về bán, nên bà cấm! Ngày đầu khó, vì bà chẳng có quyền cấm. Rồi bà cắm cờ Tổ quốc, làm biển báo bảo vệ đảo hoang, dần dần, dân bản ngại… “vương quốc bà Rô”. Thế là bà Rô thành “mẹ rùa”, thành người tiên phong làm được những chuyện mà “ông chính quyền” chưa làm được. Nhờ vậy, mỗi lần IUCN muốn tư vấn cách chăm sóc đỡ đẻ rùa biển lại tìm đến Hòn Khô để gặp bà.
… Vách núi rêu phong miên man gió. Tít tắp doi cát trắng lòa nhòa ngập tầm mắt. Thuyền thúng độc bóng im lìm bên mép sóng. Rừng mịt mùng xa xăm. Chỉ có thân bàng vuông khô khỏng, mơn man cành giữa khoảng không vời vợi, những mầm xanh lờn lợt chưa muốn bung ra. Nhà bà Rô ở đó. Ngôi nhà gỗ khép nép như trong truyện cổ tích An-đéc-xen, lấp ló ẩn sâu sau âm u sơn tản. Bóng bà lui cui trên nóc đảo, hòa với bóng cờ đỏ sao vàng. Bà Rô có gia đình, con cháu khá giả, không hận đời hận người, đùng cái, bà ra đảo hoang. Ngoảnh mặt ba mốt năm ròng. Tám mươi mùa xuân, bước qua mốc nhân sinh ấy, người đàn bà có tám mặt con thấy lòng bình yên hồ như vứt bỏ mọi ưu sầu nhân thế. Ngày ngày, bà hốt cát dọn rác làm ổ cho rùa đẻ, hàng vạn chú đú - tên rùa biển, khai sinh nơi đảo Hòn Khô rồi rong ruổi hành trình hàng nghìn cây số để lớn lên, tới kỳ sinh nở lại về với bà.
Biển Đông mênh mông, nơi dải đất hình chữ S đã chấm phá một khoảng lặng chủ quyền bình yên như thế!
Hai
… Non ba giờ đồng hồ, từ Nhơn Hải đến Tam Quan (Hoài Nhơn). Tà dương ảm đạm, tối rất nhanh. Nhơn Hải tơ tướp đìu hiu, Tam Quan lại huyên náo tàu bè, giao thương tấp nập. Một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Hoài Nhơn khoe, sản lượng đánh bắt cá ngừ địa phương hằng năm xếp vào tốp dẫn đầu cả nước.
Làng chài Tuy Phước.
Tuyền - một trong ba người phụ nữ của làng chài Tam Quan đón trung thu này trên biển. Vừa tốt nghiệp lớp 12, thi đại học không đậu, cô gái “trí thức nhất làng” ấy quyết tâm đèn sách thêm năm nữa. Tuyền hăm hở đòi ba má cho bám thuyền của ông bác bằng được. Mỗi thuyền ra khơi ít nhất năm người, Tuyền được giao nhiệm vụ bếp núc hậu cần. Cô gói ghém cẩn thận đồ đạc vào một bọc ni-lông, không quên dúi thêm chiếc đèn pin, quần áo vật dụng sinh hoạt nêm cứng ba-lô. “Đi biển nhiều chưa mà háo hức vậy?”, tôi hỏi. “Em đi nhiều, nhưng chưa được đón ngày rằm giữa đại dương”. Rồi cô le te vào chuồng bắt một chú gà trống nhốt trong lồng. “Để sáng đem xuống tàu. Em được phân công mang gà, người khác thì thịt thà, bánh trái, bia rượu tùm lum…”, Tuyền nói và giải thích, chú gà trống cô mang không phải để làm thịt, mà làm bạn, làm đồng hồ báo thức, nghe tiếng gáy giữa biển khơi đỡ nhớ đất liền.
Chín mươi phần trăm dân Tam Quan sống bằng ngư nghiệp, nhưng cả làng chỉ có gần hai chục tàu, thuyền, công suất 90CV đến 250CV. Chi phí sắm một tàu đánh bắt xa bờ ít nhất 200 triệu đồng, tuỳ theo mã lực, do vậy, có khi năm, bảy hộ gia đình thỏa thuận vay ngân hàng góp vốn đầu tư. “Năm nay, giá cá ngừ lên cao, 180 nghìn đồng/ký, bà con phấn khởi, nhưng giá xăng dầu bùng phát, tính ra chẳng được mấy. Cứ đà này, làng Tam Quan phải tám đến mười năm mới trả hết nợ ngân hàng”, anh Ngô Triệu, một ngư dân thường thả lưới khu vực đảo Lý Sơn tâm sự. Ấy là “thời vận hanh thông”, chứ cái nghề biển “rủi nhiều may ít”, chẳng ai dám mạnh miệng.
… Tối ầm ào gió, sao đong từng chùm lân tinh trên sóng. Xa xa, những con thuyền chỉ còn le lói đốm sáng lờ mờ. Tuyền kể, đợt này cô sẽ ra tận 10’30 vĩ độ bắc, 144 kinh độ đông ở Trường Sa, nghe nói ngoài đó cá ngừ toàn 50 ký trở lên.
Từ cuối tháng bảy, đầu tháng tám, ngư dân Tam Quan đồng loạt ra khơi, nhưng không phải năm nào cũng bội thu. Đã từng trắng tay, thua lỗ, thậm chí cả tang tóc đau thương. Tuyền bảo, huyện Hoài Nhơn vẫn giàu lên, còn làng Tam Quan bình bình mãi thôi, dẫu rằng, nguồn thủy hải sản thu ngân sách về địa phương hầu hết do làng Tam Quan “đóng góp”.
Ba
Thống kê, mực nước biển Bình Định dâng cao 1m có thể “nuốt” 12,2% diện tích đất - phần lớn đất màu mỡ, cũng là nơi cư trú 23% dân số. Đó là nghiên cứu khoa học, nhưng ở các làng chài - đối tượng bị ảnh hưởng nhất lại không hề biết vấn đề này.
Bữa tôi về, gành đá xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) vốn neo đậu cả trăm tàu, giờ tọa lạc một cảnh đổ nát. Cơn lốc tràn qua mang đi thành quả mà ngư dân gom góp hơn thập niên. Bãi cát xám xịt, chơ vơ thân tàu bầm dập, gỗ vụn găm lua tua dọc bờ. Nhà cửa tốc mái, lòi ra cột kèo lam nham. Ngư dân bó gối thu lu, chống mắt nhìn ra biển, se sắt mưa.
Chưa bao giờ, nghề biển ở Phù Cát và TP Quy Nhơn lại khốn đốn như năm nay. Sóng lớn quần nát các làng chài, 88 tàu, thuyền xã đảo Nhơn Châu bị cô lập. Nhiều làng, hà bá đem đi cả tính mạng, tài sản. Nợ chồng nợ! Và cũng chẳng còn gì để các ngân hàng đến “rên xiết” nữa!
***
Hôm sau, tôi tham dự một hội thảo ở Tuy Phước, các chuyên gia, nhà khoa học bàn nhiều về bài toán định cư, bảo hiểm tàu, thuyền cho ngư dân, nhưng vẫn không thể có đáp án.
… Hoàng hôn tím thẫm trùm xuống làng chài Câu Thẻo. Làng chài thuộc huyện Tuy Phước này có tính “ổn định” cao nhất - theo nhiều nghĩa. Ngư dân chủ yếu sống bằng nghề đục hàu, không mất vốn đầu tư, nguồn hải sản dồi dào dưới đáy đầm Thị Nại. Đầm kín gió, bão nhỏ, thiên tai chưa từng hoành hành nghiêm trọng. Trong thế “thủy khẩu gia nha”, đầm Thị Nại thông ra biển bằng cửa Giã. Rất xưa, dân bản địa thường ngược sông Kôn lên thượng du để giao thương qua cửa biển này.
“Ai về cửa Giã chiều hôm/Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Tháng tám, mùa biển hẹn, cảnh ấy, người ấy, còn thương vương lắm! Âu, đó cũng là sự bình yên duy nhất tôi tìm thấy nơi tận cùng những con sóng bạc đầu đất võ!