Theo bà Tạ Hà, chuyên gia ngành cá tra của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh trong 11 tháng đạt 60,15 triệu USD, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2020, Anh là thị trường xuất khẩu duy nhất đạt mức tăng trưởng dương liên tiếp trong 9 tháng, bất chấp đại dịch Covid-19.
Tỷ trọng sản phẩm cá tra chế biến (HS 1604) tăng mạnh, chiếm 32% tổng xuất khẩu cá tra, tăng hơn 1.400% so với cùng kỳ năm trước. Với giá trị xuất khẩu này, nếu còn trong khối EU như năm ngoái, Anh đã vượt Hà Lan là nước nhập khẩu nhiều nhất trong khu vực. 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu sang thị trường Anh luôn ở top 5 thị trường lớn nhất tại EU.
Theo thống kê cập nhật, 91% tổng khối lượng và 90% tổng giá trị nhập khẩu cá tra của Anh là từ Việt Nam. Ngoài nhập khẩu cá tra trực tiếp từ Việt Nam, Anh còn nhập khẩu sản phẩm này qua thị trường Đức, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ, xu hướng năm 2020, Anh đã nâng dần nhập khẩu lượng cá tra đông lạnh trực tiếp từ Việt Nam thay vì nhập khẩu qua một số cảng hay một số thị trường trung gian tại EU như những năm trước. Trước đó, Anh cũng thường nhập khẩu cá tra từ một số nước EU như Đức, Đan Mạch, Hà Lan hay Ba Lan.
Đặc biệt, giá cá tra nhập khẩu trung bình của Anh cũng tương đối ổn định, dao động từ 2,98 - 3,98 USD/kg. Đây là mức giá tương đối khả quan trong nửa đầu năm 2020.
Nếu giá trị xuất khẩu lạc quan này tiếp tục duy trì ổn định trong các quý tới, mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang Anh - thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 - rất có khả năng tăng dương hơn 10% trong năm 2021 này.
Cũng theo chuyên gia Tạ Hà, hiện có gần 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh. Đây là một con số đông đảo sang thị trường tiềm năng này. Trong đó, lớn nhất là 3 công ty, gồm: VDTG, AGIFISH và VINH HOAN CORP.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu của người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu Anh. Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm thủy sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp. Cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn và là điểm sáng của ngành thủy sản xuất khẩu sang Anh hiện nay khi là nhà cung cấp hàng đầu có mức giá phù hợp và quy trình chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam được thị trường EU và Anh chấp nhận.
Mới đây, ngày 11/12/2020, Việt Nam và Anh đã ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), tạo cơ sở để hai nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.
Ngày 29/12/2020 (theo giờ Việt Nam), Hiệp định UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại London (Anh). Và từ 23h ngày 31/12/2020, Hiệp định UKVFTA đã chính thức có hiệu lực.
Theo thông báo chính thức của Chính phủ Anh, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các nước thụ hưởng GSP của Anh. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này được hưởng thuế quan ưu đãi GSP khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình C/O mẫu A theo quy định.
Anh chỉ chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo cơ chế REX được phát hành trước ngày 1/1/2021 đối với hàng hóa nhập khẩu vào UK trong vòng 12 tháng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần lưu ý các thông tin trên để hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới thông suốt, nắm bắt được những ưu đãi mà UKVFTA đem lại. Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam và Anh bên cạnh những ưu ái về thuế quan thì việc cả hai nước đưa ra những cam kết minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng sẽ giúp những mặt hàng chất lượng có cơ hội lớn thâm nhập vào thị trường. Dự báo năm 2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh sẽ tăng trên 50% so với năm 2019.