Sàn Viên là xã còn nhiều khó khăn của huyện Lộc Bình, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã có đập Tà Keo với diện tích khoảng 100 ha. Tận dụng tiềm năng đó, tháng 5/2017, Trung tâm Thủy sản tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình đã hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá lồng tại xã Sàn Viên.
Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ kinh phí để làm lồng, phao, lưới… Trung tâm Thủy sản tỉnh hỗ trợ giống, thức ăn, thuốc phòng và chữa bệnh. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm lồng đến chăm sóc, quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng; kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh cho phù hợp.
Mô hình nuôi cá lồng trên đập Tà Keo được thực hiện tại 5 hộ với số lồng cá ban đầu là 8 lồng. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành, chính quyền địa phương và sự chủ động chăm sóc của người dân nên đến cuối năm 2018, một số hộ nuôi đã được xuất bán những lứa cá đầu tiên. Đến nay, sản lượng cá bán ra của các hộ đã đạt trên 1,5 tấn.
Ông Hà Văn Thu, thôn Khòn Cháo – một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Năm 2017, gia đình tôi mạnh dạn nuôi thử nghiệm 3 lồng cá trên đập Tà Keo với diện tích khoảng 360 m2 gồm: cá trắm, rô phi, cá chép. Cuối năm 2018, cá lồng của gia đình bắt đầu được xuất bán, đến nay, gia đình đã xuất bán được khoảng 5 tạ cá trắm; 3 – 4 tạ cá rô phi, thu nhập bước đầu đạt từ 60 – 70 triệu đồng. Hiện cá trong lồng vẫn đang tiếp tục được bán ra thị trường.
Theo các hộ thực hiện mô hình, sau 2 năm thực hiện, cá phát triển tốt, ít dịch bệnh, trọng lượng trung bình đạt từ 1,5 – 3 kg/con. Do được chăn chủ yếu bằng các thức ăn như: cỏ voi, cây chuối, lá chuối nên chất lượng cá ở đây thơm ngon, thịt chắc, được thị trường ưa chuộng, giá bán luôn ổn định, giao động từ 80 – 90 nghìn đồng/kg cá trắm; 50 – 60 nghìn đồng/kg cá rô phi.
Nhận thấy nguồn nước trên đập, khí hậu ở địa phương rất phù hợp với việc nuôi cá lồng và hiệu quả thực tế của mô hình đem lại, từ 8 lồng thí điểm ban đầu, đến nay, các hộ đã nhân rộng ra khoảng 17 lồng cá trên đập Tà Keo, với diện tích 72 m2/lồng. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình đã liên kết thành lập tổ nuôi cá nhằm trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ thực hiện mô hình hiệu quả, hằng năm, ngoài các lớp tập huấn do Trung tâm Thủy sản tỉnh tổ chức, UBND xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện tổ chức tập huấn lồng ghép về quy trình nuôi cá lồng, đồng thời tổ chức các đợt đi thực tế, tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình nuôi cá lồng ở các huyện: Văn Quan, Văn Lãng…
Ông Hà Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Sàn Viên cho biết: Mô hình nuôi cá lồng trên đập là một hướng đi mới, không chỉ góp phần giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân mà còn tận dụng được nguồn nước trên đập để tạo ra nguồn thực phẩm thủy sản sạch, chất lượng cao cho thị trường, đồng thời bảo vệ được môi trường nước. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã đang vận động một số hộ ở các thôn: Khòn Cháo, Co Cai, Nà Mò tham gia xã hội hóa, mua cá nuôi trên hồ nhằm tạo ra nguồn thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập.
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, nghề nuôi cá lồng trên đập Tà Keo đang có nhiều triển vọng phát triển, từng bước giúp người dân giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã.