Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nghề nuôi cá lồng đã hình thành và phát triển ở một số địa phương như Bảo Yên, Bảo Thắng với trên 70 lồng nuôi, đối tượng nuôi lồng chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chiên, cá nheo được nuôi trong lồng tre, lồng lưới, lồng gỗ hoặc lồng sắt thép. Sản lượng nuôi hàng năm đạt 38-40 tấn, năng suất bình quân đạt 13 kg/m3.
Mới đây, huyện Bắc Hà đã triển khai mô hình thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà, nhằm tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân sinh sống khu vực xung quanh hồ. 20 hộ nông dân tại xã Cốc Ly được chọn làm mô hình trình diễn. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống và nguyên vật liệu làm lồng, đồng thời được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn quá trình chăm sóc cho đến khi thu hoạch sản phẩm. Mô hình nuôi cá lồng được triển khai và bước đầu đi vào hoạt động góp phần hình thành nghề mới phù hợp cho người dân, đặc biệt là các hộ dân ven lòng hồ thủy điện. Từ đó, giúp cho người dân trên địa bàn có thể khai thác được tiềm năng sẵn có để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi cá lồng tại các địa phương trong tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, phát triển sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường, dịch bệnh phát sinh. Trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nên năng suất, sản lượng chưa cao, loại giống thủy sản nuôi chưa phong phú; thị trường tiêu thụ không ổn định…
Để phát huy được tiềm năng, lợi thế về phát triển thủy sản trên các hồ chứa, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Các địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá lồng cần tuân thủ theo quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh; có kế hoạch bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ khuyến nông của xã có thêm nghiệp vụ chuyên môn về thuỷ sản, để họ trực tiếp hướng dẫn, phổ biến cho nông dân. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình, mô hình khuyến ngư để tập huấn kỹ thuật cho cán bộ đoàn thể (thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ), lực lượng này sẽ giúp cho việc triển khai các chương trình, dự án và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nhanh có hiệu quả. Ngoài ra cần học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại các tỉnh có nghề nuôi cá lồng phát triển như Hải Dương, Hòa Bình, Yên Bái… và xác định các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nuôi lồng, bè tại địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Xây dựng và tuân thủ quy chế quản lý, phối hợp giữa các cấp, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong công tác chỉ đạo, phát triển nuôi cá hồ chứa theo hình thức cộng đồng; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ; quản lý chặt các hoạt động về cung cấp giống, thức ăn, xử lý các trường hợp dịch bệnh, thiên tai, chú trọng việc bảo vệ môi trường nước. Đồng thời, tiếp tục rà soát và ban hành chính sách hỗ trợ nghề nuôi cá lồng, nhất là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm với các cơ sở nuôi, tạo vùng cung cấp ổn định và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đầu tư thực hiện các dự án về phát triển cá lồng tại các địa phương có nghề nuôi cá lồng mới phát triển như Bắc Hà, Si Ma Cai để thúc đẩy hình thành và nhân rộng nghề nuôi cá lồng.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành và người dân, trong thời gian tới, nghề nuôi cá lồng trên các hồ chứa của tỉnh sẽ có nhiều triển vọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi.