Điều đặc biệt, kể từ khi có đàn cò làm bầu bạn, kinh tế gia đình của ông Tài bỗng dưng phất lên nhanh chóng. Từ một nông dân nghèo khổ, ông Tài bỗng phất lên như diều gặp gió, xây nhà tầng, tậu xe hơi... và với gia đình ông, đàn cò là một thành viên không thể thiếu.
Món quà từ thiên nhiên
Một buổi sáng cuối thu, chúng tôi tìm về thôn Vị Giang (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nơi gia đình ông Tài và đàn cò đặc biệt đang trú ngụ. Cảnh thanh bình, êm ả của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ thật thanh bình và níu chân người đến. Chỉ tay về vạt rừng bạch đàn ngút ngàn đang độ xuân thì, ông Tài cho biết đó chính là nơi đầu tiên đàn cò đến.
Nhìn theo hướng chỉ của ông Tài, tôi thoáng giật mình bởi màu trắng phau của cò hoà lẫn với màu xanh ngát của rừng cây tạo nên những nét chấm phá rất đẹp cho bức tranh đồng quê. Ông Tài kể lại, dãy bạch đàn ấy chính là nơi đàn cò tìm đến đầu tiên, ngày ấy rừng bạch đàn chưa được như bây giờ. Khi đó có khoảng hơn 1.000 con bay đến. "Sáng hôm ấy ngủ dậy, nhìn sang rừng bạch đàn tôi phát hoảng vì thấy một màu trắng phau, định thần lại mới nhận ra đó chính là đàn cò, nhìn hoa cả mắt. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng vợ tôi động viên, đất lành chim đậu, cứ để đàn cò ở đấy. Thế mà bây giờ đàn cò đã gần 3 vạn con, thấy đàn cò sinh sôi nảy nở mới biết thời gian trôi nhanh đế thế nào", ông Tài chia sẻ.
Hẹn gặp chúng tôi từ trước nên ông Tài chuẩn bị mọi thứ khá chu đáo cho chuyến viếng thăm khu vườn đặc biệt với hàng vạn con cò của gia đình ông. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ngắm cò ông Tài vừa kể về những ngày tháng khó khăn của gia đình ông. Vốn là một quân nhân xuất ngũ, ông về quê lấy vợ rồi bám ruộng vườn. Dù hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng nhưng cái nghèo, cái đói cứ đeo bám mãi. Quyết tâm thoát nghèo, năm 1994, ông Tài vay mượn nhiều nơi rồi nhận hơn 2ha khu đầm lầy gần nhà để làm kinh tế. Thế nhưng mặc dù đã dồn bao công sức đào ao, xây chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá và trồng thêm các loại cây ăn quả vậy mà 4 năm sau nghèo vẫn hoàn nghèo. Nợ nần chồng chất khiến cả gia đình ông lao đao.
Ông Tài bàn với vợ con bán hết gia sản để vào miền Nam lập nghiệp, nhưng vợ con ông không nỡ rời bỏ mảnh đất mà phải mất bao công sức họ mới gây dựng được. Bỏ qua những lời níu kéo của vợ con ông quyết định một mình vào Nam lập nghiệp. Trước hôm lên đường trong ông mang tâm trạng lo lắng rối bời vì phải rời xa mảnh đất đã gắn bó với mình từ tấm bé. Bởi thế mà cả đêm hôm ấy ông không tài nào chợp mắt được. "Đêm rằm tháng 8 năm 1998, nằm trên giường trằn trọc mãi mà không chợp mắt được. Đến tầm 2h sáng mắt vẫn cứ trơ trơ, tôi bèn trở dậy ra đầu hè nằm trên võng. Một lát sau đang thiu thiu ngủ tôi mơ thấy mình đang đi trong rừng bạch đàn phía sau nhà. Bỗng nhiên từ trên cành bạch đàn rơi xuống hai con cò. Một con gẫy cánh, còn một con gẫy chân, hai con cò đau đớn kêu thảm thiết. Thấy thế tôi bèn nhặt hai con cò tội nghiệp về đắp thuốc và chăm sóc vết thương. Khi chúng lành lặn, tôi thả chúng về trời. Vừa tung hai chú chim lên thì cả bầu trời phát ra vầng hào quang sáng chói. Đang mê man, tôi giật mình thức giấc bởi những tiếng động lạ ở phía cuối rừng cây", ông Tài nhớ lại.
Sáng sớm hôm ấy khi vừa thức dậy ông tò mò nhìn về cánh rừng bạch đàn thì thấy cả ngàn con cò trắng chao liệng rồi xà xuống đậu trên vạt cây bạch đàn cuối khu rừng. Không dám tin vào mắt mình, ông vội chạy vào nhà gọi vợ con dậy rồi cả nhà kéo nhau ra vườn xem thử. "Lúc đầu cả nhà sợ lắm, chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, ai cũng ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy sự lạ như thế này, từ xưa tới nay, chưa bao giờ thấy con cò nào đến đậu, nay bỗng nhiên cả ngàn con kéo đến kêu vang cả một góc trời, vui thì ít, lo thì nhiều", bà Vân, vợ ông Tài vẫn chưa hết ngạc nhiên khi nhớ lại. Những ngày tiếp sau đó, mặc dù vợ chồng ông cố xua đàn cò đi, nhưng chẳng con nào chịu bay đi, thậm chí chúng làm tổ ngay trên những thân cây trong vườn, sinh sôi nảy nở.
Từ giấc mơ kỳ lạ đến "tỷ phú chân đất"
Từ ngày có đàn cò, kinh tế gia đình ông Tài cũng khá giả hơn rất nhiều và cũng nổi tiếng khắp huyện. Một phần bởi sự lạ kỳ khi hàng vạn con cò thiên nhiên chọn khu vườn của nhà ông để làm nơi an cư suốt bao nhiêu năm qua, mặt khác từ khi có cò, không hiểu vì sao ông Tài làm ăn phất lên như diều gặp gió.
Sau giấc mơ đêm ấy, đặc biệt là sự xuất hiện của đàn cò khiến ông Tài bỏ ý định vào Nam mưu sinh, ông quyết định ở lại để cùng vợ con canh đàn cò, mặt khác kiếm kế sinh nhai. Nhưng có một điều trùng hợp khá thú vị, từ một lão nông nuôi gì cũng thất bại, từ khi đàn cò xuất hiện thì bỗng nhiên duyên làm giàu nó tự tìm đến với vợ chồng ông. "Từ khi có đàn cò, vợ chồng tôi coi chúng như báu vật, trông nom, coi sóc cẩn thận. Thấy rừng cây thưa thớt mà đàn cò ngày một đông thêm, vợ chồng tôi lại vay mượn thêm được 240 triệu lên tận Thái Nguyên mua giống măng Bát Ðộ, keo giống về trồng để đàn cò có nơi trú ẩn. Sau đó bỏ đi 4 sào ruộng của gia đình để mở rộng đầm cá tạo cân bằng hệ sinh thái và môi trường sống cho cò", ông cho biết.
Theo lời hàng xóm ông Tài, vợ chồng ông luôn đặt lợi ích bảo vệ thiên nhiên lên trên lợi ích kinh tế. Năm nào gia đình ông Tài cũng đầu tư xây dựng vườn làm nơi trú ngụ cho cò, đồng thời cải tạo, thay bùn, nước để bảo vệ môi trường sống của đàn cò khỏi bị ô nhiễm.
Buổi trưa, đãi khách bằng một bữa gà quê luộc còn nóng hổi, ông Tài tâm sự: "Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có thể thoát nghèo nhanh đến như vậy, 15 năm trước chỉ nghĩ đến đủ ăn là hạnh phúc lắm chứ đâu dám nghĩ đến của ăn của để". Nói rồi, ông tự hào chỉ chiếc xế hộp vừa mới sắm năm ngoái đang đỗ trong sân và bảo, cũng may nhờ có đàn cò về với gia đình tôi, giữ tôi ở lại đất này mà chúng tôi mới được như vậy.
Thật khó lý giải về giấc mơ có phần lạ kỳ của ông Tài 15 năm trước. Nhưng những thành quả mà đàn cò thật mang đến cho lão nông này vẫn đang hiện hữu. Ngôi nhà tầng khang trang bề thế, chiếc xế hộp đời mới và cả trang trại tiền tỷ là thành quả của quá trình vươn lên thoát nghèo của hai vợ chồng ông.
Đất lành chim đậu
Đất lành chim đậu, hàng năm đàn cò không ngừng sinh sôi nảy nở và kinh tế gia đình ông Tài không ngừng phất lên. Ông vừa giữ môi trường sinh thái tốt nhất cho đàn cò vừa chú trọng phát triển trang trại sản xuất. Trong khu vườn nhà ông hiện nay có hàng trăm con cá sấu, ba ba… ông cải tạo nhiều đầm, ao để thả cá và nuôi ếch. Trên cạn, gia đình ông trồng hàng nghìn cây thanh long ruột đỏ cho giá trị kinh tế cao.