Nhiều năm trở lại đây, cuộc sống của nông dân trồng màu trên vùng đất mặn đã khấm khá hơn bởi giá cả thị trường ổn định, hàng hoá làm ra không lo lắng về đầu ra. Với lợi thế đó, hiện nay nông dân đã xuống giống hơn 100 ha các loại rau màu. Huyện Nhọc Hiển nước mặn quanh năm, để trồng được rau màu tươi tốt, nông dân phải tốn công rất lớn trong khâu cải tạo đất… Bù lại đất màu mỡ, mỗi năm có thể trồng được 4 vụ. Tính theo âm lịch, vào tháng 3, tháng 4 là vụ chính; Tháng 5, tháng 6 người dân bắt đầu xuống giống vụ 2; Tháng 8, tháng 9 bước sang vụ 3; Tháng 11 vụ màu đón tết.
Xã Tân Ân có khoảng 20 hộ trồng màu quanh năm, trở thành thu nhập chính. Có nhiều hộ trồng rau màu thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Ông Hồ Tấn Đạt, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, là người gần 20 năm sống với nghề trồng rau, cải cung cấp cho các chợ đầu mối trên địa bàn huyện. Ông Đạt chia sẻ: “Chỉ cần 1,5 công đất trồng rau màu thu nhập có thể vượt 3 ha nuôi tôm, bởi hiện nay tôm nuôi rất bấp bênh, nhiều lúc nông dân thất trắng. Còn trồng rau màu thì không sợ lỗ, chỉ cần chăm sóc tốt và nắm rõ lịch thời vụ, tưới nước đầy đủ là thành công”.
Hầu hết những hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển trồng màu thường không dùng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến việc sản xuất rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ đó, rau cải luôn hút hàng bởi người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Lê Văn Bộ, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, cho biết: “Nông dân chúng tôi trồng màu vì cuộc sống gia đình nên các loại màu phải sạch, người tiêu dùng an tâm, không sợ thuốc, hoá chất. Chính vì vậy, lượng rau màu chúng tôi trồng ra không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Hiện các loại rau xanh, bầu bí bán giá từ 10-20 ngàn đồng/kg”.
Trưởng ấp Xẻo Mắm Huỳnh Văn Lập thông tin: “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tham mưu Hội Nông dân xã triển khai nhiều chương trình, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt. Với mục tiêu bảo vệ nguồn rau xanh an toàn, không hoá chất, tạo thu nhập cho nông dân. Khi đạt mục tiêu này, chúng tôi sẽ liên kết với nhà tiêu thụ để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hạn chế nông sản do những người trực tiếp làm ra không có thị trường tiêu thụ”.
Đặc biệt, năm nay nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn xuống giống 10 ha dưa hấu và đang phát triển ổn định. Để trồng được dưa hấu tươi tốt, nông dân phải tốn công rất lớn trong khâu cải tạo đất và tỉa thưa các ngọn nhánh, bấm ngọn đúng thời điểm, chỉ để một dây đạt một trái.
Bà Nguyễn Hồng Thơm, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tâm sự: “Vùng này nước mặn, để dưa hấu to, đỏ và ngọt đạt chất lượng thì bản thân tôi phải chịu khó chăm sóc. Nhất là khâu cải tạo đất thật kỹ gieo giống, chú trọng nguồn nước tưới tiêu và thường xuyên theo dõi, tỉa thưa các ngọn nhánh, bấm ngọn đúng thời điểm chỉ để một dây một trái mới đảm bảo chất lượng".
Với tâm thế chủ động chuẩn bị, thị trường tết năm nay, nông dân Ngọc Hiển kỳ vọng vụ màu được mùa, được giá, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tại địa phương và khu vực với sản lượng, chất lượng đạt tiêu chuẩn.