XK tôm của nước này liên tục tăng từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên 2,6 tỷ USD năm 2014, tuy nhiên năm 2015 lại giảm xuống còn 1,9 tỷ USD. Năm 2015 khi XK giảm 27% thì NK tôm vào Trung Quốc vẫn tăng 36% so với năm 2014.
Dự báo sản lượng tôm Trung Quốc năm 2016 sụt giảm nên Chính phủ nước này khuyến khích nhập khẩu tôm nguyên liệu để bù đắp nguồn nguyên liệu chế biến thiếu hụt, đẩy mạnh chế biến tái XK và phục vụ tiêu thụ trong nước.
Nhập khẩu
Năm 2015, NK tôm của Trung Quốc từ các nước đạt 102.843 tấn; trị giá 754,5 triệu USD; tăng 31,7% về khối lượng và 36% về giá trị so với năm 2014. Ecuador là nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 24,6% tổng giá trị NK tôm của nước này. Thái Lan và Canada đứng thứ hai và ba lần lượt chiếm 16,2% và 15,8%. Việt Nam đứng thứ 10 trong top 10 nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc chiếm chỉ 1,4%. Trong 10 nguồn cung tôm hàng đầu cho Trung Quốc năm 2015, NK từ tất cả các nguồn đều tăng trưởng dương trừ Mỹ và Việt Nam trong đó NK từ Indonesia tăng mạnh nhất 265,4% so với năm 2014, tiếp đó NK từ Malaysia tăng 92,8%. NK từ Mỹ và Việt Nam lần lượt giảm 7,9% và 56,9%.
Năm 2015, tôm khác đông lạnh (mã HS 030617) và tôm nước lạnh đông lạnh (mã HS 030616) là 2 sản phẩm NK chính của Trung Quốc. Hai sản phẩm này lần lượt chiếm 58,4% và 25,6% tổng các sản phẩm tôm NK vào nước này. Năm ngoái, NK 2 sản phẩm này vào Trung Quốc đều tăng lần lượt 42,7% và 39,9% so với năm 2014. Đối với sản phẩm tôm khác đông lạnh (mã HS 030617), Ecuador là nước cung cấp lớn nhất và Indonesia đứng thứ hai. Trong khi, Canada và Greenland là 2 nước cung cấp chủ yếu tôm nước lạnh đông lạnh (mã HS 030616) cho Trung Quốc.
Năm 2015, giá trung bình tôm Việt Nam trên thị trường Trung Quốc đạt 9,98 USD/kg. Trên thị trường Trung Quốc, tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm của các Ecuador, Indonesia và Ấn Độ (Ecuador: 6,9 USD/kg; Indonesia: 7,9 USD/kg và Ấn Độ: 6,9 USD/kg). Tuy nhiên, Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh về giá với tôm từ Thái Lan và Malaysia lần lượt là 12,5 và 12,4 USD/kg.
Xuất khẩu
Năm 2015, XK tôm của Trung Quốc đạt 191.946 tấn; trị giá 1,9 tỷ USD; giảm 18% về khối lượng và 25% về giá trị. Mỹ và Hồng Kông, Trung Quốc là 2 thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Trung Quốc. Trong top 10 thị trường NK tôm lớn nhất của Trung Quốc năm 2015, XK sang Mỹ và Hàn Quốc tăng lần lượt 8% và 2% trong khi XK sang các thị trường còn lại đều giảm.
Tôm nguyên con đông lạnh (mã HS 030617), tôm chế biến không đóng hộp kín khí (mã HS 160521) và tôm chế biến đóng hộp kín khí (mã HS 160529) là các sản phẩm XK chính của Trung Quốc. Năm 2015, các sản phẩm này lần lượt chiếm 50,5%; 23,4% và 16% tổng XK tôm của nước này.
Đối với sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh; Hồng Kông, Đài Loan và Mỹ lần lượt là 3 thị trường tiêu thụ chính sản phẩm này của Trung Quốc. XK sang 3 thị trường này trong QI/2016 đều tăng cùng với giá XK tăng.
Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan là 3 thị trường NK chính sản phẩm tôm chế biến không đóng hộp kín khí. Quý đầu năm nay, 3 thị trường đồng loạt tăng NK mặt hàng này từ Trung Quốc.
Giá XK trung bình sản phẩm tôm chế biến đóng hộp kín khí của Trung Quốc trong QI/2016 giảm so với QI/2015 và QI/2014. Tháng 3/2016, giá XK mặt hàng này giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay đạt 11 USD/kg.
Với quy mô thị trường lớn, dân số chiếm 1/5 dân số thế giới, lượng tiêu thụ thủy sản hàng năm cao cùng với sự đa dạng trong nhu cầu, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây cho thấy đây là thị trường thủy sản tiềm năng của các nước xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là Việt Nam. Nhu cầu NK tôm nguyên liệu cho chế biến và tái XK ngày càng tăng do sản lượng tôm nuôi trong nước dự kiến giảm và theo chính sách đẩy mạnh nhập để tái xuất của nước này. Nhu cầu NK tôm cho tiêu thụ nội địa cũng không ngừng tăng do sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu. Họ thích hàng nhập khẩu hơn hàng sản xuất trong nước. Đây sẽ là cánh cửa rộng mở cho các nhà XK tôm của Việt Nam trong thời gian tới.
|