Theo Tân Hoa Xã, kể từ ngày 1/1/2020, Trung Quốc chính thực thực thi lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm tại các khu vực chủ chốt trên sông Dương Tử (Yangtze, còn gọi là Trường Giang) nhằm bảo vệ đa dạng sinh học tại con sông dài nhất quốc gia này.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc, bắt đầu từ năm nay, lệnh cấm trên sẽ có hiệu lực đối với 332 khu bảo tồn tại lưu vực sông Dương Tử.
Lệnh cấm sẽ được áp dụng mở rộng với các nhánh sông và các hồ lớn nối với sông Dương Tử chậm nhất từ ngày 1/1/2021.
Ước tính, lệnh cấm trên sẽ ảnh hưởng tới hơn 110.000 tàu thuyền khai thác cá và gần 280.000 ngư dân tại 10 tỉnh dọc sông Dương Tử.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc cam kết sẽ triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ tài chính và các hoạt động hướng nghiệp cho ngư dân phải tìm kế sinh nhai mới.
Thứ trưởng Bộ trên, ông Vu Khang Chấn nhấn mạnh quyết định tạm ngừng đánh bắt cá là một bước đi quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác kiệt quệ các nguồn tài nguyên sinh vật cũng như hủy hoại đa dạng sinh học trên sông Dương Tử lâu nay bị tổn thương bởi các hoạt động của con người như đánh bắt cá quá mức, ô nhiễm hay xây đập ngăn nước...
Ông Vu Khang Chấn cho biết thêm nhà chức trách sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ các loài quý hiếm, tăng cường giám sát hệ thủy sinh trên sông Dương Tử, cũng như cải thiện các chiến lược bảo tồn và quản lý phù hợp với các tiến trình khôi phục nguồn tài nguyên sinh vật.
Tình trạng suy giảm sinh học đã làm giảm các hoạt động đánh bắt cá dọc sông Dương Tử, với sản lượng khai thác chỉ chiếm 0,32% tổng sản lượng thủy sản nước ngọt toàn Trung Quốc.
Những năm gần đây, sản lượng đánh bắt hằng năm tại con sông dài nhất Trung Quốc này đã giảm xuống dưới 100.000 tấn từ mức hơn 420.000 tấn ghi nhận trong thập niên 50 của thế kỷ 20.