Tại xã Phước Sơn, (huyện Tuy Phước) Trung tâm tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập cho 30 hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã.
Hộ nuôi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi tổng hợp tôm, cua, cá dưới tán cây ngập mặn như kỹ thuật cải tạo ao nuôi, xử lý nước trước khi thả giống; cách lựa chọn con giống đúng cách và tiêu chuẩn; kỹ thuật cho ăn, chăm sóc và quản lý ao nuôi; phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm, cua, cá; kỹ thuật thay nước giúp cho cây ngập mặn phát triển phát huy chức năng lọc nước,…
Trong khi đó, tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), 20 hộ nuôi tôm được Trung tâm giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc. Đây là công nghệ nuôi tôm giúp ổn định môi trường nước bằng công nghệ ủ men vi sinh kết hợp với mật rỉ đường để đưa vào ao nuôi. Việc áp dụng tốt công nghệ Semi-Biofloc có thể hạn chế 80% dịch bệnh so với cách nuôi trước đây.
Ngoài ra, với công nghệ nuôi mới này, người nuôi có thể hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh trong mỗi vụ nuôi. Qua đó, người nuôi giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, nâng cao được giá thành sản phầm.
Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản như nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập kết hợp phát triển du lịch sinh thái, với quy mô 01 ha tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước; nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc với quy mô 1.000 m2/điểm tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tuy Phước nhằm mục tiêu giúp cho người nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Đối với mô hình nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập kết hợp phát triển du lịch sinh thái thông qua các hoạt động như xây dựng các nhà hàng, tổ chức dịch vụ câu cá giải trí, trải nghiệm các hoạt động đánh lưới, cho tôm cá cua ăn, thu hoạch, chèo sõng, chèo thuyền, chèo soup,... để du khách thưởng ngoạn, trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm thủy sản tươi sống, tự tay mình đánh bắt. Đây là mô hình sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương và định hướng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương.