Theo chị Phạm Thị Quyện, chủ cơ sở sản xuất và chế biến mắm tại TDP Diên Trường (thị trấn Thuận An, Phú Vang, TT – Huế) cho biết: “cơ sở của chị bắt đầu hoạt động lại vào đầu tháng 11 âm lịch sau sự cố môi trường biển, cũng là thời điểm đầu mùa thu hoạch ruốc của ngư dân, đáp ứng đủ số lượng cần để chế biến mắm. Thông thường từ giữa đến cuối tháng 2 âm lịch, nguồn cung ruốc ngày càng giảm, tuy nhiên năm nay lại khác, nhiều tỉnh miền trung trúng đậm mùa ruốc, nên tha hồ để thu mua làm mắm, với lại giá thành cũng rẻ hơn so với thời điểm này năm ngoái”.
Chị Quyện cũng cho biết: “gia đình tôi cũng qua ba đời làm mắm, đặc biệt mắm ruốc, mỗi năm cơ sở đưa ra thị trường tiêu thụ hàng trăm tấn ruốc thành phẩm, trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do sự cố môi trường biển, cơ sở tôi tạm ngưng hoạt động 8 tháng gây thiệt hại cũng tương đối lớn. Mặc dù vậy, khi nghe thông tin báo chí, cũng như mọi người đã dần khẳng định biển an toàn, do đó tôi tăng cường thu gom nguyên liệu để phục hồi hoạt động của cơ sở, phát triển nghề truyền thống gia đình. Tính từ tết đến chừ, tôi nhập gần 100 tấn ruốc, chủ yếu từ Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quãng Nam và Huế. Mỗi ngày phải thuê từ 12-15 nhân công (có tính thời vụ) để vào muối, ép khô và phơi, với mức công 350.000đ/ngày. Còn ngày thường, hiện nay cơ sở có 5 nhân viên, với mức lương trung bình 5triệu/tháng”. Mỗi năm, doanh thu của cơ sở gần 4 tỉ đồng, trừ mọi chi phí, lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng, chị Quyện cho biết thêm.
Đây là tín hiệu lạc quan đáng mừng không chỉ dành riêng cho ngư dân miền trung mà đối với với mọi ngành nghề liên quan đến thủy hải sản. Ngoài vấn đề tạo động lực để phát triển kinh tế hộ gia đình, đó còn là động lực thúc đẩy mọi người dân, đặc biệt là ngư dân, tiếp tục vững bước vương khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.