“Nhưng không làm vậy thì lấy gì mà bỏ vào miệng? Chúng tôi cùng đường nên mới làm cái việc cực chẳng đã là chặt rừng, đốt than lậu…” - Ngẩng hỏi rồi tự trả lời.
Bị bắn chết vì chặt gỗ lậu
Như Lao Động đã thông tin, rạng sáng ngày 19.5, đội tuần tra 5 người thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) phát hiện ông Lê Minh Vui (42 tuổi) - một người dân nghèo đang ngụ tại xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau - đang cặp xuồng máy trong rừng phòng hộ Kiến Vàng, có dấu hiệu khai thác cây rừng (cây đước) trái phép.
Lực lượng làm nhiệm vụ đề nghị ông Vui dừng lại để kiểm tra, nhưng ông Vui không dừng lại, mà còn đâm thẳng xuồng mình vào xuồng của lực lượng đang làm nhiệm vụ, đồng thời dùng chân vịt làm hai cán bộ là Phạm Văn Bờ và Phạm Văn Vệ bị thương nặng. Thấy tình thế nguy cấp, một trong 5 người của đội tuần tra đã nổ súng. Ông Vui tử vong trên đường đi cấp cứu.
Đó là theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Hiển. Còn theo người nhà của ông Vui thì hôm xảy ra sự việc, gia đình ông Vui có 3 người. Khi đội tuần tra đến thì hai con trai ông Vui đang đốn củi trong rừng. Nghe tiếng súng nổ, họ chạy ra đến nơi thì lực lượng bảo vệ rừng đã chở ông Vui đi. Các con ông Vui nghĩ ông bị “giải về đồn”, phải đến sáng hôm sau mới hay tin cha họ đã chết.
Khi chúng tôi viết những dòng này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng Cà Mau sớm làm rõ cái chết của ông Lê Minh Vui. Tuy nhiên, dù có làm rõ như thế nào, ai đúng, ai sai, rồi thậm chí cả xin lỗi, bồi thường nếu ông Vui không sai đi nữa thì ông cũng không thể nào sống lại được.
Một câu chuyện khác của người đàn ông có tên là Ngẩng. Đầu hắn húi cua, mặt mũi bặm trợn kiểu rất khó ưa, đặc biệt là đôi mắt luôn dò xét, nửa như đe dọa, nửa như đang giấu người đối diện điều gì đó. Khi gặp chúng tôi, hắn khoe mới được trở về làm lại công dân của ấp Mũi, sau mấy năm ngồi đếm lịch trong tù vì tội vào rừng quốc gia Mũi Cà Mau chặt đến 5 khối đước về đốt than lậu, đem bán kiếm tiền nuôi vợ con sống qua ngày.
Hắn nói: “Cha tui đẻ tui ra đặt tên là Ngẩng, nhưng sống, làm người trên đời đến nay đã hơn 30 năm mà tui chưa có phút giây nào được ngẩng cao đầu với người ta. Nhiều lúc quẫn quá, tui nghĩ hay mình tự vẫn chết quách cho xong...”. Ngẩng kể, bây giờ mình đang sống bằng nghề thợ đụng, không còn dám vào rừng nữa sau mấy năm trải nghiệm ở trong tù. Và hắn rùng mình nhớ lại những năm tháng lén lút vào rừng chặt củi, đốt than. Hắn kể những ngày ở tù, lâu lâu hắn lại ho ra máu.
Nguyên nhân không phải do bị đánh đập, mà là hậu quả của những năm tháng “làm việc” không kể ngày đêm, đặc biệt là vác thân đước quá nặng từ nơi đốn hạ về nơi hầm than. “Đêm xuống mới kinh hoàng” - hắn nói: “Đêm nào cũng một mình tui ngồi thu lu trong lán để canh chừng hầm than, bốn bề là rừng âm u, mờ mịt. Tui vốn sợ ma, nên chỉ cần nghe tiếng gió thổi hơi mạnh là toàn thân đã run lên bần bật. Có lần sợ quá, tui về mang con chó ra ngủ cùng, ai ngờ chó còn sợ ma hơn cả tui. Suốt đêm hắn hết run lại tru, khiến tui đã sợ càng sợ hơn...”.
Không chỉ sợ ma rừng…
Nhưng với Ngẩng và những người như hắn, không phải ma rừng, mà kiểm lâm mới là nỗi sợ lớn nhất. “Từ chặt cây cho đến hầm ra than phải mất hai ngày, hai đêm và trong thời gian đó ruột gan tui luôn như lửa đốt. Bởi kiểm lâm mà biết, ập đến một cái là không những công sức tiêu tan, mà còn tù tội, nhẹ nhất thì cũng xử phạt, đập lò than...”. Ông Hân - cha của Ngẩng - góp chuyện: “Người dân ở đây ai cũng biết vậy là sai, nhưng đâu còn cách nào khác? Nghèo, không có đất đai để nuôi trồng, cùng đường người dân mới phải liều mình vào rừng đốt than kiếm sống.
Mà mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn chứ nhiều nhặn gì (mỗi kilôgram than đước bán từ 7.000-9.000 đồng). Nhưng cái ăn đôi khi phải đổi bằng sự tù tội, thậm chí là cả mạng sống...”. Nhắc đến chuyện tù tội, chúng tôi hỏi Ngẩng: “Chặt 5 khối gỗ đước mà phải lãnh án đến mấy năm tù giam?” Ngẩng lạnh lùng: “Cộng thêm tội chống người thi hành công vụ”. Ánh mắt Ngẩng lóe lên sắc lạnh khi nói, khiến chúng tôi giật mình nhớ lại cảnh anh em nhà hắn “tiếp đón” chúng tôi cách đây mấy phút.
Số là ngày chúng tôi đến, gặp lúc kiểm lâm và chính quyền địa phương huyện phối hợp truy quét các lò than lậu ở khu vực này. Chiều hôm trước, đã có mười mấy lò ở ấp Mũi bị đập bỏ. Vì không còn lò than lậu nào để... xem, lại nghe đồn gia đình Ngẩng lúc đó vẫn lén lút hầm than ngay sau nhà, chúng tôi tự tìm tới sau khi tất cả xe ôm trong ấp đều từ chối, vì sợ Ngẩng trả thù. Vừa vào tới sân, đã thấy cả nhà Ngẩng già trẻ lớn bé, trong đó có đến 5 thanh niên lực lưỡng đứng dàn hàng ngang, ai nấy mặt mũi hằm hằm.
Lát sau, khi nghe chúng tôi trình bày rằng ở “nước Huế” vô du lịch, nhỏ lớn chưa thấy hầm than bao giờ nên đi tìm xem cho biết, không khí “chào đón” mới dịu xuống dần. Nhưng chúng tôi không được nhìn thấy lò than nào ở nhà Ngẩng với lý do: “Nhà chỉ hầm lượng ít để dùng, nhưng mấy hôm nay nghỉ hầm nên chẳng có gì mà coi”.
Tùng, 28 tuổi, ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tùng cưới vợ cách đây 5 năm, được cha mẹ cho “ra riêng” bằng 3 vuông tôm (mỗi vuông rộng khoảng 1.000m2) nằm sát cửa biển. Những năm trước tôm còn trúng, Tùng còn vào ra hàng ngày giữa nhà và vuông tôm. Hai năm trở lại đây tôm mất mùa, không đủ sống, Tùng cùng vợ con ở hẳn ngoài vuông để làm thêm bằng nghề đốt than lậu. Và tất nhiên, ở vùng này không chỉ mỗi Tùng phải “làm thêm”. “Ở đây biệt lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nhưng đổi lại, tôm cộng với than cũng đủ sống qua ngày” - Tùng cười hiền lành.
Than lậu thì chỗ nào cũng bị cấm, nhưng do ở đây không phải là rừng quốc gia như bên Đất Mũi nên lực lượng kiểm lâm cũng nới tay hơn, làm ngơ cho Tùng tỉa rừng trong vuông của mình. Đổi lại, trong vuông của Tùng phải nuôi thêm một đàn gà, chủ yếu là gặp lúc “mấy ổng” đi qua, Tùng lại sai vợ giết gà để mời lai rai chút đỉnh. Hỏi chuyện tương lai, Tùng thở dài: “Sống được ngày nào hay ngày ấy. Em không nghề nghiệp, giờ rời vuông tôm, rời lò than lậu này ra là không biết làm gì để kiếm cơm, các anh ạ...”.