Trung tuần tháng 7, khi trò chuyện với tôi, ông Tăng Văn Xúa, ở HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa (TX. Vĩnh Châu) khẳng định: Bây giờ nuôi tôm thẻ ao nhỏ theo mô hình của CP Việt Nam chuyển giao hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi ao lớn. Hiện tôi đang có 1 ao nuôi tôm thẻ theo mô hình mới này chỉ 2.000m2, nhưng ước tính năng suất khi thu hoạch ít gì cũng khoảng 7 tấn, tức khoảng 35 tấn/ha.
Ở Vĩnh Châu, ngoài ông Xúa, còn có anh Thanh, anh Chiến nuôi theo mô hình mới này trên diện tích ao nuôi chỉ 1.100m2, nhưng sản lượng thu hoạch đều trên 4 tấn/ao. Ngoài ra, còn phải kể đến trang trại Tân Nam của Công ty Sao Ta, đợt này thu hoạch trên 150 ao và tất cả đều cho năng suất rất cao. Còn anh Dũng ở huyện Long Phú, nuôi 2 ao, mỗi ao chỉ có 1.000m2, ao đầu tiên thu hoạch 4,82 tấn, còn ao thứ hai thu gần 4,5 tấn.
Những con số trên thực sự ấn tượng, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với những mô hình nuôi tôm ở huyện Phú Tân (Cà Mau) mà chúng tôi có dịp tham quan vào ngày 26-7 vừa qua. Đó là mô hình của anh Lê Việt Khải, ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, chỉ với 1 ao diện tích 1.100m2, sau 88 ngày thả nuôi, tôm đã vào cỡ 28 con/kg và sản lượng thu hoạch ước đạt trên 7 tấn. Riêng mô hình của anh Ngô Tấn Cường, ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, mỗi ao nuôi 1.400m2, sau 75 ngày tôm vào cỡ 35 con/kg và sản lượng thu hoạch ước không dưới 12 tấn.
Ông Nguyễn Tấn Hòa - Trưởng Phòng Kinh doanh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết: “Từ đầu vụ nuôi đến nay, các mô hình CPF - Combine Program do CP Việt Nam thực hiện đều cho tỷ lệ thành công đến 98%. Trong mô hình này, ngoài các chỉ tiêu môi trường ao nuôi trước đây, CP Việt Nam đặc biệt hướng người nuôi quan tâm nhiều hơn đến chỉ số DOC (hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng) trong ao nuôi nuôi bằng thiết bị chuyên dùng và chế phẩm vi sinh do CP Việt Nam cung cấp”.
Có thể nói, đây được xem là một bước tiến mới về công nghệ nuôi tôm nước lợ, có thể giúp đạt năng suất tôm nuôi lên đến 100 tấn/ha ao nuôi/vụ mà không cần phải đầu tư lớn theo kiểu nuôi siêu thâm canh trong nhà kính mà một số doanh nghiệp lớn đang thực hiện. Mô hình này, Sóc Trăng hoàn toàn có thể thực hiện được và thực tế đã có một số người nuôi tôm ở Vĩnh Châu, Long Phú thực hiện rất thành công.
Theo ước tính, để đầu tư một mô hình, gồm: 1 ao ương (150m2), 2 ao nuôi (1.000 – 1.500m2/ao), người nuôi cần bỏ ra khoảng chi phí 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Con số trên có thể cao với những người nuôi nhỏ lẻ, nhưng vẫn phù hợp với không ít người nuôi quy mô lớn trong tỉnh hiện nay. Cái hay của mô hình là giúp người nuôi kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, môi trường ao nuôi, giúp con tôm khỏe, lớn nhanh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các nhà khoa học của tỉnh hiện đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh với mật độ nuôi từ 60 – 100 con/m2 cũng đang cho kết quả rất khả quan. Do đó, hiện vẫn chưa thể nói mô hình nào là tối ưu nhất, như phân tích của ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh: “Mỗi mô hình đều có cái hay và phù hợp với từng điều kiện nuôi riêng của nó, nên người nuôi cần cập nhật, bổ sung để hoàn thiện dần theo từng mùa vụ, điều kiện thả nuôi tại vùng đất của mình”.
Năm nay, theo dự báo, khả năng trúng mùa tôm của Sóc Trăng là rất cao, nhưng những cơn mưa lớn do ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới mấy ngày qua đã lấy đi phần nào năng suất và lợi nhuận của người nuôi tôm. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta có một mô hình nuôi hoàn thiện hơn, những rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, môi trường cũng sẽ ít hơn và thành công mang lại cũng sẽ cao hơn.