Giờ anh đã trở thành tỷ phú nuôi tôm với đầm tôm rộng tới cả vài chục ha. Thấy làm tôm được, anh còn vận động một số “đồng nghiệp” cũ vẫn đang làm nghề “chăn gái” như mình trước đây bỏ nghề cũ để cùng nuôi tôm.
Lời “thú tội” ngọt ngào
Lần đầu gặp, trò chuyện, với người đàn ông có dáng người vạm vỡ, cách nói chuyện khá dễ gần, đậm chất nông dân chúng tôi không ngờ rằng trước kia ông từng là một ông “trùm” kinh doanh hàng “tươi mát” có số má ở “thiên đường sung sướng” Quất Lâm.
Vừa pha trà mời khách bên đầm tôm, anh Trúng nhớ lại, khoảng từ năm 1996 đến ngoài năm 2000, ở cái bãi biển Quất Lâm, lúc nào ki-ốt của anh cũng có vài em phục vụ khách, chưa kể còn là nơi để đảo, trao đổi hàng với các ki- ốt khác, khách cần “quất” lúc nào, chiều lúc ấy. Hồi đó, giá mỗi “ca” đi khách của các em thường rơi vào tầm 80.000-100.000 đồng, trong đó chủ (anh Trúng) được hưởng 1 phần (khoảng 25.000-30.000 đồng), còn lại là phần của các “em”.
“Nhiều người cứ bảo kinh doanh ngành này chỉ có ngồi mát ăn bát vàng, nhưng kỳ thực mỗi ngày cùng lắm túc tắc cũng chỉ thu được vài ba trăm nghìn, đúng đủ bằng 2 cân tôm của tôi bây giờ”- anh Trúng vừa nói, vừa cười xòa. Theo anh Trúng, đặc thù của nghề này là phải có mánh khóe và phải nuôi một đội xã hội đen mới có đất sống và phất lên được. Tền bao, trả lương cho đội ngũ này cũng không dễ dàng, lúc kiếm được thì không sao, lúc không có thì bị uy hiếp, dọa giết là bình thường.
Vừa nói chuyện, anh Trúng vừa lật tay áo, gấu quần lên chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo dài vẫn còn thâm tím trên cánh tay. Ông Trúng bảo: “Ở đất Quất Lâm, cứ ai nhiều sẹo trên người nhất thì người đó là trùm, được mọi người kính nể nhất, chứ những ông mà người ngợm lành lặn, thì chỉ là dạng tập tọe mới vào nghề, còn non kinh nghiệm bị bắt nạt, “đói” khách thường xuyên” – anh Trúng tiết lộ.
Thêm nữa, cái nghề kinh doanh dựa trên sự “sung sướng” của người khác cũng chỉ sống theo mùa. Mùa hè, khách du lịch đổ về nhiều thì còn kiếm được, chứ đến mùa mưa hay mùa đông, thì chỉ có ngồi mà ngâm bài “chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu”.
“Gắn bó” với nghề ăn vào sự “khấu hao” trên cơ thể của các cô gái được hơn 10 năm, ngoài việc thu nhập bấp bênh, nhiều lúc Trúng cũng cảm thấy có cái gì đó thất đức, tội lỗi mà nói thẳng ra là vi phạm pháp luật, nên cuối năm 2009, Trúng đã quyết định “rửa chân, gác quán”. Ngày Trúng tuyên bố giải nghệ, cả cái phố biển Quất Lâm ai nấy đều sững sờ, không hiểu lý do. Nói về quyết định ngày ấy, anh Trúng tâm sự: “Ở cái vùng đất Giao Thủy bên kia giáp biển, bên này giáp sông, bãi bồi nhiều vô kể mà không nuôi tôm thì phí, tại sao mình không tự làm giàu bằng cách dựa trên lợi thế đó, mà cứ suốt ngày quanh quẩn, úp mặt vào dịch vụ gái gú, kiếm tiền dưới váy đàn bà mãi được”.
Con tôm đổi đời
Rời khỏi bãi biển, anh Trúng bắt đầu đi tìm đầm để thuê, lúc đó nhận thấy ở xã Hải Nam, huyện Hải Hậu còn rất nhiều diện tích đầm chưa được khai thác, anh Trúng đã tìm đến. Cũng bởi thành tích 10 năm làm nghề “chăn gái”, nên cư dân trong vùng không ai không biết đến Trúng, nên khi mới đi hỏi thuê đầm, nhiều người bảo anh “điên” hoặc giả vờ nuôi tôm nhưng vẫn làm nghề cũ, chứ làm gì có ai tự dưng bỏ cái nghề cứ ngồi một chỗ tính giờ và đếm lượt khách ra vào mà thu tiền để “húc” đầu đi nuôi tôm bao giờ. Bỏ ngoài tai những điều xì xào đó, anh Trúng vẫn quyết tâm đi tìm thuê đầm bằng được để nuôi tôm.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan đầm, chỉ tay về những vuông tôm một màu xanh biếc với những chiếc máy xục ôxy hoạt động miệt mài, anh Trúng cười: “Đấy chú xem, sau hơn 5 năm bỏ nghề du lịch, đến giờ tôi vẫn thấy quyết định của mình sang nuôi tôm là đúng đắn. Thực ra, chỉ cần cần cù làm ăn lương thiện, kiếm đồng tiền từ chính sức lao động của mình bỏ ra bao giờ cũng thấy sướng và mãn nguyện hơn nhiều so với việc trước đây”.
Ấy vậy, để có được đầm tôm ngày hôm nay, anh Trúng đã từng nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”, có lúc tưởng phải quay lại nghề cũ. Những ngày mới lên Hải Nam thuê đầm, nhìn đâu đâu cũng thấy lau sậy tốt um tùm, mùi nước phèn chua bốc lên nồng nặc mà nản. “Có bao nhiêu vốn làm ăn, cộng tiền vay ngân hàng, tôi đổ vào đầm hết, số tiền lên tới hàng tỷ đồng để cải tạo, nhưng cũng không lại, có lúc vợ con chán nản lăn ra ốm, bản thân thì kiệt sức, chán nản định bỏ cuộc nhưng nghĩ nếu bỏ bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra sẽ mất nên vẫn cố gượng dạy làm tiếp” – ông Trúng nhớ lại.
Đất hoang không phụ công người, sau 2 năm cải tạo, những lứa cá đồng ngắn ngày được anh Trúng thả nuôi để cải tạo nước đầm đã bắt đầu cho thu hoạch. Cầm đồng tiền đầu tiên bán lứa cá rô anh mới thực sự có thêm niềm tin. Sau 2 năm thả nuôi cá cải tạo mặt nước, năm 2012, anh quyết định đi vay nặng lại về đầu tư xây dựng ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Cùng với đó, anh cũng chủ động đi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và cả những chuyên gia thủy sản những kiến thức về nuôi tôm.
Dù mới vào nghề, những anh Trúng đã mạnh dạn mua ngay 100 vạn con giống tôm thẻ về thả nuôi. Không ngờ khi thả nuôi tôm lại thích nghi và lớn rất nhanh, chỉ sau mấy tháng thả tôm thẻ đã cho thu hoạch với sản lượng đạt trên dưới 50 con/kg, với giá bán khoảng 150.000- 170.000 đồng/kg, tùy thời điểm, anh Trúng đã… trúng tiền tỷ ngay trong lứa tôm đầu tiên. Khi biết anh Trúng “ẵm” được cả tiền tỷ trong tay nhờ nuôi tôm, hàng trăm người dân trong và ngoài xã kéo đến xem, nhiều người không tin còn xin ở lại nhà tôi để xem nuôi và bán tôm, sau khi về còn xin lại số điện thoại và địa chỉ để tiện liên hệ học hỏi kinh nghiệm làm giàu.
Hiện nay, trên diện tích 3ha mặt nước, anh Trúng thả nuôi khoảng 300 vạn tôm thẻ giống, trừ mọi tri phí đầu tư, thức ăn…, ông có thu nhập khoảng trên dưới 800 triệu đồng/ha. Ngoài ra, anh Trúng còn kinh doanh thức ăn chăn nuôi và nhận là đầu mối kết nối cung cấp giống tôm Ninh Thuận, Bình Thuận chất lượng cao đưa về cho bà con trong và ngoài xã nuôi. Tiếng tăm Trúng “tôm” ngày một lan rộng…
Thuyết phục hàng xóm bỏ kinh doanh mại dâm…để nuôi tôm
Từ vùng đầm hoang hóa, không có người ở, đến nay dọc bãi biển của thị trấn Quất Lâm đã trên dưới 50 hộ dân sinh sống, làm kinh tế, đa phần các hộ đều làm nghề kinh doanh đó là “nuôi” gái mại dâm phục vụ cho những quý ông có nhu cầu mỗi khi về biển… hóng mát.
Anh Cao Văn Trúng đang đổ cám cho tôm thẻ ăn trong ao nuôi của gia đình.
Thời còn làm nghề, anh Trúng cũng quen biến khá nhiều bạn bè, “đồng nghiệp”, nên giờ khi đã nuôi tôm thành công, anh đã nghĩ đến việc vận động bạn bè cùng bỏ nghề để đi nuôi tôm như mình. “Khi mới đi vận động anh em, bạn bè cùng đi nuôi tôm, nhiều người bán tín, bán nghi nghĩ rằng tôi làm ăn thất bại, muốn huy động vốn của họ, nên còn e dè lắm. Nhưng khi nghe tôi kể về thành công của mình trong nghề nuôi tôm, đồng thời tôi cũng hứa với bạn bè nếu bỏ nghề kinh doanh mại dâm để đi nuôi tôm, tôi sẽ cung cấp tôm giống trả chậm và hướng dẫn kỹ thuật, nuôi đến khi thành công thì mới thu nợ, mọi người đều mừng và nghe theo đi luôn”.
Từ đó, đã bắt đầu có một số người đi theo tiếng gọi của đầm tôm đã quyết bỏ nghề cũ, giờ đã có không ít hộ khá giả nhờ nuôi tôm. Hầu hết các hộ ở khu đầm xã Hải Nam hiện đều có thu nhập cao, không ít hộ có mức thu tiền tỷ như hộ Trần Văn Hạnh, Nguyễn Văn Tình…Trò chuyện với chúng tôi, anh Hạnh nói: “Lúc mới nghe anh Trúng nói, tôi cũng không tin lắm, vì cứ nghĩ nuôi tôm khó, làm gì dễ ăn như thế. Nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại thấy cái nghề cũ của mình cũng bạc bẽo quá, tiền vào cửa trước rồi lại ra cửa sau, lúc nào cũng nơm nớp, lo lắng mà chán, nên tôi đã quyết định đi theo anh Trúng”.
Trên diện tích 2ha mặt nước, mỗi năm ông Hạnh tôi thả nuôi 2 vụ tôm, trung bình mỗi ha thu 1,6 tỷ, trừ chi phí đầu tư 50%, vẫn còn lại khoảng hơn 1 tỷ đồng, “số tiền đó bằng cả 10 năm làm cái nghề phi pháp trước đây của mình” – anh Hạnh nói.
Không chỉ nghĩ về bản thân mình, đã từng là ông chủ nên anh Trúng cũng chứng kiến nhiều hoàn cảnh khác nhau của các cô gái làm nghề bán dâm. Bên cạnh những cô “ham chơi lười lao động”, cũng có không ít cô gái vào nghề thực tế “bản chất tốt nhưng hoàn cảnh đưa đẩy”, bởi vậy anh đang nghĩ đến chuyện sẽ thu nhận một số cô gái như thế vào đầm tôm của mình làm việc và các đầm khác. Anh Trúng cho biết, có rất nhiều công việc phù hợp với các cô gái như sơ chế, phân loại tôm, phối trộn thức ăn, vệ sinh ao tôm…