Sản xuất nông nghiệp là trung tâm
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã lựa chọn 3 khâu đột phá: “Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch”. Ba khâu đột phá liên kết chặt chẽ với nhau và thực chất là “ba trong một”.
Tuy công nghiệp được lựa chọn ở vị trí hàng đầu nhưng tập trung vào công nghiệp chế biến nên tất phải có vùng nguyên liệu mà người dân là người tạo lập vùng nguyên liệu ấy. Khâu đột phá thứ 2, kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp được chọn làm trung tâm. Nhưng điểm khác so với trước đây là sản xuất ra để bán nên đòi hỏi sản phẩm phải ngon, chất lượng để thị trường chấp nhận và bán được giá cao (có sức cạnh tranh cao). Trong Nghị quyết Đại hội đề cập một số sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả cao và tăng thu nhập cho người sản xuất (là nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp). Đột phá thứ 3 là khai thác tiềm năng phát triển du lịch nhưng thực phẩm, mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch vẫn là sản phẩm từ ngành nông, lâm nghiệp. Từ chủ trương, định hướng lớn, sau hơn một năm tổ chức thực hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu với tỉnh hoàn chỉnh cơ chế chính sách; hoàn thành 3 quy hoạch (thủy lợi, thủy sản và bảo vệ phát triển rừng); tháo gỡ nút thắt tạo đà cho sản xuất phát triển. Trong đó, có các giải pháp xóa bỏ sản xuất manh mún, chú trọng chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác và liên kết tạo chuỗi giá trị sản phẩm. Cùng với đó, thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Hội tụ các yếu tố trong sản xuất hàng hóa
Kết thúc năm 2016, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có 18/23 chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực của ngành đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, có những bước tiến vượt bậc về thực hiện phát triển rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC cho 15.828,5 ha rừng của 5 doanh nghiệp và các nhóm hộ gia đình. Tổ chức khai thác 780 nghìn m3 gỗ rừng trồng được Bộ Nông nghiệp đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng gỗ khai thác. Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh hiện có 1.338 lồng cá, trong đó 401 lồng nuôi cá đặc sản. Toàn tỉnh hiện có 566 trang trại, trong đó có 227 trang trại chăn nuôi, tăng 89 trang trại so với năm 2015.
Hết năm 2016 Tuyên Quang có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 16 xã. Đồng thời, nâng số tiêu chí bình quân từ 10 tiêu chí/xã năm 2015 lên 11,1 tiêu chí/xã năm 2016 và hiện không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Bước sang năm 2017, sản xuất lương thực hoàn thành vượt chỉ tiêu diện tích gieo cấy lúa xuân. Điều đáng quan tâm là các giống lúa đưa vào gieo cấy vụ này được bà con lựa chọn chủ yếu là giống có chất lượng, gạo ngon được thị trường ưa chuộng.
Nông dân Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hái chè nguyên liệu.
Tỉnh chú trọng thực hiện chính sách kéo doanh nghiệp về nông thôn, gây dựng mối liên kết bền chặt giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và tạo chuỗi giá trị sản phẩm. Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm đang dần xóa bỏ cách làm ăn riêng lẻ của từng hộ dân thay bằng mối liên kết giữa nhà máy với vùng nguyên liệu. Lợi ích thiết thực cho người làm chè là tăng thu nhập 40% so với cách làm cũ, giảm chi phí đầu vào nhưng giá bán nguyên liệu cao hơn các hộ không liên kết. Vùng chè được đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người làm chè. Hiện đã có 250 hộ ở 6 đội sản xuất tham gia với tổng diện tích 250 ha chè, chiếm 60% diện tích chè công ty quản lý. Cùng mục tiêu liên kết, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phối hợp với huyện Chiêm Hóa xây dựng cánh đồng mía rộng 11,5 ha liền vùng, liền thửa và tổ chức gieo trồng cùng giống cùng ngày. Việc làm của doanh nghiệp không chỉ nhằm tích tụ ruộng đất, đầu tư thâm canh cao, cải tạo giống, mở rộng cơ giới hóa, tổ chức lại sản xuất mà còn góp phần đưa năng suất mía bình quân đạt 120 tấn/ha và trữ lượng đường đạt trên 12 CCS.
Tạo đà cho kinh tế phát triển
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, ngành tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Năm 2017, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 7.733,7 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016.
Về lĩnh vực trồng trọt, ngành đẩy mạnh tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục mời gọi doanh nghiệp thực hiện các dự án liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn. Với cây cam, ngành phối hợp với địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm cam sành Hàm Yên và lựa chọn vùng cam tập trung (cánh đồng lớn) có diện tích từ 30 ha trở lên và đăng ký cấp giấy chứng nhận cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Với vùng nguyên liệu mía, xây dựng mô hình liên kết giữa nhà máy, HTX và nông dân, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất mía giống (nuôi cấy mô), từng bước nâng cao năng suất thay giống mía cũ năng suất thấp. Tổ chức đánh giá cách thức liên kết sản xuất chè của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm để nhân ra diện rộng trên địa bàn tỉnh. Trong chăn nuôi, đẩy mạnh tốc độ tăng đàn, trong đó đàn trâu tăng 2%, đàn bò 5%, đàn lợn 6% và đàn gia cầm tăng 6,7%, phấn đấu ngành chăn nuôi đạt giá trị sản xuất 2.300 tỷ đồng. Lĩnh vực thủy sản, khai thác có hiệu quả mặt nước hồ thủy điện để nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng 7.498 tấn. Trong lâm nghiệp, tập trung hoàn thành việc trồng mới 11.400 ha rừng tập trung và khai thác gỗ rừng trồng đạt 844.200 m3.
Để tạo đà cho kinh tế nông lâm nghiệp và thủy sản phát triển, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, trang trại, chăn nuôi nông hộ; tạo môi trường và khuyến khích doanh nghiệp hợp đồng liên kết tạo chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời từng bước nâng cao năng suất cây trồng bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tưới tiên tiến trên cây trồng cạn.